Những ngày vừa qua, dạo khắp các trang mạng xã hội nổi bật nhất là các bài viết, hình ảnh về chiến công xuất sắc của các cầu thủ bóng đá nữ Việt Nam khi giành được tấm vé tham dự vòng chung kết World Cup bóng đá nữ 2023 tại Australia. Thật sự đã có lúc đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam ngỡ như đã không thể tham gia giải đấu Asian Cup 2022 khi có đến 19 cầu thủ mắc Covid-19 và chỉ có đúng 1 buổi tập luyện đầy đủ đội hình ngay trước trận đấu với các đối thủ hàng đầu châu lục như Hàn Quốc, Nhật Bản. Với chừng ấy khó khăn, chẳng ai dám nghĩ thầy trò huấn luyện viên Mai Đức Chung có thể tiến xa khi rơi vào một bảng đấu tử thần, tuy vậy bằng ý chí quyết tâm và tinh thần chiến đấu không lùi bước, các cô gái vàng của bóng đá Việt Nam đã vượt qua, từng bước đi sâu vào giải đấu và giành chiến lợi phẩm ngọt ngào sau 2 trận thắng trước đội tuyển Thái Lan và Đài Bắc Trung Hoa tại vòng Playoff tranh vé tham dự World Cup bóng đá nữ 2023.
Sau thành tích vang dội đó, có rất nhiều các bài viết ca ngợi, ủng hộ, cổ vũ đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam, tuy nhiên bên cạnh đó cũng có nhiều bài viết được đăng tải với nội dung nhằm lợi dụng sự thành công, danh tiếng của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam nhằm câu like, câu view rẻ tiền, kiếm tiền quảng cáo trên mạng xã hội, chủ yếu thể hiện quan điểm rằng phải làm thế nào để bóng đá nữ được quan tâm như bóng đá nam, than nghèo kể khổ về hoàn cảnh, mức thu nhập của các cầu thủ bóng đá nữ.
Thực tế tại nhiều quốc gia trên thế giới, việc bóng đá nữ không được quan tâm như bóng đá nam là điều rất bình thường bởi đây là vấn đề mang tính xã hội. Ở đất nước có nền bóng đá hàng đầu thế giới như Mỹ với thành tích 4 huy chương vàng Olympic, 4 lần vô địch World Cup thì mức thu nhập của các cầu thủ bóng đá nữ cũng có sự chênh lệch rất lớn so với các cầu thủ bóng đá nam; điển hình là cầu thủ bóng đá nữ có mức thu nhập cao nhất tại Mỹ là khoảng 281.000 USD/năm, chỉ xấp xỉ mức thu nhập 1 tuần so với các cầu thủ bóng đá nam. Ngay cả World Cup bóng đá nữ cũng không thể so sánh được với World Cup bóng đá nam, bản thân các cầu thủ bóng đá nữ cũng thấu hiểu điều này kể từ khi lựa chọn nghiệp quần đùi, áo số và họ chẳng bao giờ kêu ca, phàn nàn hay đòi hỏi phải có mức thu nhập ngang bằng với các cầu thủ bóng đá nam.
Khi các bài viết than nghèo, kể khổ về cuộc sống, mức thu nhập của các cầu thủ bóng đá nữ Việt Nam được đăng tải hằng ngày thì những người sợ nhất, chịu ảnh hưởng nhiều nhất chính là các huấn luyện viên bóng đá nữ. Một huấn luyện viên bóng đá nữ đã từng là tuyển thủ quốc gia đã phải thốt lên rằng: “Các anh nhà báo đừng viết than nghèo kể khổ về bóng đá nữ nhiều quá, vì như thế bọn em sẽ rất khó tuyển quân, bởi phụ huynh họ sợ quá nên chẳng dám cho con theo nghiệp bóng đá nữ”. Trên thực tế, sau những thành tích mà bóng đá nữ gặt hái được trong những năm gần đây, vị thế của bóng đá nữ đã được nâng tầm nhiều hơn so với các môn thể thao khác, đã nhận được nhiều sự quan tâm hơn.
Ngoài ra còn một số bài viết theo kiểu câu like, share rẻ tiền, thích soi mói, bới móc, đặt những câu hỏi thiếu tế nhị về chuyện chồng con, gia đình của các cầu thủ bóng đá nữ, dẫu rằng những bài viết với nội dung như vậy chẳng giúp ích được gì cho sự phát triển của bóng đá nữ Việt Nam. Bởi thực tế bóng đá là môn thể thao đối kháng trực tiếp, nên hầu hết các nữ cầu thủ đều có những tư chất đặc biệt, chỉ nhìn bề ngoài của họ là đủ hiểu rồi, nên dành sự quan tâm, chia sẻ về những khó khăn, vất vả họ trải qua hơn là quan tâm những vấn đề mà chẳng giải quyết vấn đề gì.
Xin gửi những nhà báo, tay viết dành sự quan tâm thái quá, thể hiện đạo đức giả, than nghèo kể khổ cho các cầu thủ bóng đá nữ Việt Nam: Nếu thực sự quan tâm, ủng hộ bóng đá nữ Việt Nam phát triển hơn nữa trong tương lai, hãy theo dõi họ trên mạng xã hội, hãy gửi những lời động viên, chia sẻ chân thành, hãy bật TV xem khi có các trận đấu của họ, sẵn sàng ra sân cổ vũ khi có dịp, hãy là những người hâm mộ văn minh, dành tình yêu trong sáng cho bóng đá, là động lực cho các cầu thủ thi đấu hết mình giành vinh quang về cho Tổ quốc. Đừng chỉ ngồi sau màn hình máy tính, sử dụng bàn phím để biến mình thành các nhà dân chủ đòi quyền lợi, đòi bình đẳng, than nghèo kể khổ cho các cầu thủ bóng đá nữ Việt Nam nhất là khi các cầu thủ bóng đá nữ Việt Nam không cần những thứ phù phiếm như vậy.
Hits: 16