Thủ tướng kêu gọi phát huy tinh thần mỗi người làm việc bằng hai, miền Trung, Tây Nguyên, miền Nam làm bù lại cho miền Bắc bị thiệt hại do bão lũ.
Chủ trì hội nghị sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về phòng chống và khắc phục hậu quả bão Yagi sáng 28/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói mục tiêu thời gian tới vẫn là không để người dân nào bị thiếu ăn, thiếu mặc, đói rét, không có chỗ ở. Học sinh cần sớm đến trường, người bệnh được cứu chữa. Sản xuất kinh doanh được khôi phục và đẩy mạnh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát.
Người đứng đầu Chính phủ kêu gọi phát huy tinh thần “mỗi người làm việc bằng hai”. Những nơi không bị ảnh hưởng như miền Trung, Tây Nguyên, miền Nam làm bù lại cho những nơi miền Bắc bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Mục tiêu là phấn đấu tăng trưởng cao hơn, đạt kết quả phát triển kinh tế – xã hội.
“Cũng như khi miền Trung bị bão lũ thì miền Bắc, miền Nam làm bù cho miền Trung. Trước đây, trong thời kỳ chiến tranh thì tất cả vì miền Nam ruột thịt”, Thủ tướng nói.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính được giao đề xuất kinh phí hỗ trợ địa phương từ ngân sách dự phòng, đảm bảo phù hợp và công bằng. Bộ Tư pháp rà soát quy định lạc hậu, không phù hợp để khắc phục hậu quả bão lũ. Bộ Quốc phòng hoàn thiện tổ chức, nhân lực theo Luật Phòng thủ dân sự.
Với các gia đình bị mất nhà cửa, Thủ tướng giao địa phương hoàn thành nhà mới cho họ trong năm 2024 với vách cứng, nền cứng, mái cứng. Trường học, bệnh viện, trạm xá phải khắc phục xong trong tháng 10, nếu thiếu cơ chế thì đề xuất Chính phủ. Với cầu Phong Châu bị sập, Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải, Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư cùng tỉnh Phú Thọ xây dựng xong cầu mới trong năm 2025.
Đánh giá về bão Yagi, Thủ tướng nói bão liên tục tăng cấp độ, kéo dài nhiều giờ trên đất liền. Hoàn lưu bão gây mưa lũ, tác động đến 26 tỉnh thành, gây hậu quả nghiêm trọng về tinh thần và vật chất với người dân và đất nước. Việc khắc phục hậu quả bão tốn kém, kéo dài nhiều năm “và có những mất mát không bao giờ bù đắp được, đó là những người thiệt mạng và mất tích”. “Sang chấn tinh thần của một bộ phận nhân dân còn kéo dài và hậu quả khó lường”, Thủ tướng nói.
Theo ông Chính, công tác dự báo, cảnh báo cơ bản tốt, sát tình hình, nhưng còn sai số như chưa dự báo được sớm việc bão giật cấp 17 khi vào bờ và kéo dài trong đất liền; hoàn lưu bão, mưa lớn kéo dài diện rộng, có nơi đến 700 mm. Lượng nước về các hồ đập, sông lớn cũng được dự báo chưa sát thực tế. Nguyên nhân là trang thiết bị có hạn, đầu tư cho dự báo chưa tương xứng.
Công tác chỉ đạo được Thủ tướng đánh giá xuyên suốt, kịp thời, quyết liệt, thống nhất, thông suốt từ trên xuống dưới. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, thăm hỏi các lực lượng và người dân. Các lực lượng theo phương châm “bốn tại chỗ” đã huy động toàn dân vào cuộc. Quân đội, công an huy động 300.000 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ cùng phương tiện tham gia hỗ trợ người dân ứng phó, khắc phục hậu quả bão lũ.
Lực lượng chức năng đã hướng dẫn hơn 51.000 tàu thuyền tránh trú; di dời 173.000 người trên các lồng bè, chòi canh nuôi thủy hải sản và những khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.
Tuy nhiên, thiệt hại do bão Yagi và mưa lũ vẫn rất lớn. Đến 26/9, bão lũ khiến 344 người chết và mất tích, gần 2.000 người bị thương; hơn 260.000 căn nhà, 1.900 điểm trường bị tốc mái, hư hại. Hàng loạt công trình hạ tầng năng lượng, viễn thông, giao thông, thủy lợi, đê điều bị sự cố.
Đến nay, Thủ tướng đã chỉ đạo xuất cấp hơn 400 tấn gạo và 350 tỷ đồng hỗ trợ người dân các địa phương. Mặt trận Tổ quốc, Hội chữ thập đỏ Việt Nam đã vận động được 1.760 tỷ đồng; các tổ chức quốc tế và các nước cứu trợ tiền và hàng trị giá 22 triệu USD.
Nhiều bài học kinh nghiệm được Thủ tướng nêu ra, trong đó dự báo, cảnh báo phải kịp thời, chính xác, từ sớm, từ xa. Công tác chỉ đạo phải bám sát tình hình, quyết liệt, quyết đoán, dám chịu trách nhiệm. Mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân và nhà nước phải đặt lên trên hết.
Thủ tướng dẫn chứng để đảm bảo an toàn đập thủy điện Thác Bà, các cơ quan đã đưa ra những quyết định quan trọng để vừa phải phân lũ ở thượng nguồn, vừa chuẩn bị phương án phá đập phụ tại trung nguồn, vừa sơ tán người dân ở hạ nguồn, sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu nhất, chọn phương án tốt nhất để thiệt hại thấp nhất.
Tương tự, để bảo đảm an toàn đê Hoàng Long (Ninh Bình), cơ quan chức năng phải dừng hoạt động của thủy điện Hòa Bình, tăng hoạt động các thủy điện Sơn La, Lai Châu.
Theo: vnexpress.net
Hits: 2