Lực lượng Houthi tuyên bố dùng vũ khí siêu vượt âm tập kích Israel, song Tel Aviv tuyên bố đây chỉ là tên lửa đạn đạo thông thường.
Yahya Saree, phát ngôn viên nhóm vũ trang Houthi ở Yemen, ngày 15/9 tuyên bố lực lượng này đã phóng tên lửa siêu vượt âm nhắm vào mục tiêu quân sự của Israel tại khu vực Yafa. Ông cho biết quả đạn vượt qua quãng đường 2.040 km trong 11 phút rưỡi, tương đương tốc độ trung bình 10.645 km/h.
Houthi ngày 16/9 công bố video cho thấy tên lửa được trang trí bằng hình cờ Palestine và sơn họa tiết giống khăn kefiyeh truyền thống của người Arab, trên thân có dòng chữ “Palestine-2” và “Hypersonic” (Siêu vượt âm).
Đài truyền hình Al Mayadeen ở Lebanon dẫn thông tin từ văn phòng truyền thông Houthi cho biết tên lửa Palestine-2 đạt tốc độ tối đa Mach 16, tức là gấp 16 lần âm thanh (19.755 km/h). Tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn và thiết kế hai tầng đẩy, có thể vươn tới mục tiêu ở khoảng cách 2.150 km.
Vũ khí siêu vượt âm có tốc độ khoảng 6.000-12.000 km/h, có khả năng cơ động trong khi bay để tăng tầm bắn và khả năng xuyên thủng lớp phòng thủ tên lửa của đối phương.
Điều này khiến tên lửa Palestine-2 đạt tốc độ đủ lớn để so sánh với vũ khí siêu vượt âm đang được các cường quốc biên chế và phát triển. Tuy nhiên, giới chuyên gia quân sự phương Tây cho rằng tốc độ không phải yếu tố duy nhất quyết định tên lửa có phải vũ khí siêu vượt âm hay không.
“Tốc độ trên 6.000 km/h không phải hiếm với tên lửa đạn đạo. Vũ khí chỉ được xếp vào nhóm siêu vượt âm khi đạt tốc độ từ Mach 5 trở lên và có khả năng cơ động trong hành trình để né phòng không đối phương. Nó sẽ không được coi là vũ khí siêu vượt âm nếu bay theo quỹ đạo cố định”, cây bút Jake Epstein viết trên Business Insider.
Những tên lửa đạn đạo xuyên lục địa như RS-24 Yars của Nga và LGM-30 Minuteman III trong biên chế Mỹ có thể đạt tốc độ Mach 23-25 nhưng không được coi là vũ khí siêu vượt âm, do đầu đạn của chúng không có khả năng cơ động sau khi tách khỏi tầng đẩy và lao xuống mục tiêu.
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) khẳng định quả đạn Houthi phóng ngày 15/9 không phải vũ khí siêu vượt âm, do nó bay theo quỹ đạo cố định và không cơ động trong hành trình. “Theo thông tin chúng tôi có được, đối phương không sở hữu tên lửa siêu vượt âm”, IDF cho hay.
Fabian Hinz, chuyên gia về chương trình tên lửa của Iran tại Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại Anh, nhận định Palestine-2 là biến thể của tên lửa đạn đạo tầm trung Kheibar Shekan do Tehran sản xuất và công bố lần đầu hồi tháng 2/2022.
Lầu Năm Góc nhận định nhóm Houthi đã phóng tên lửa đạn đạo vào Israel, nhấn mạnh đó không phải tên lửa siêu vượt âm. Tuy nhiên, người này thừa nhận Houthi chắc chắn đang sở hữu “năng lực tấn công tiên tiến”.
Phòng không Israel triển khai nhiều hệ thống phòng thủ tên lửa để đánh chặn quả đạn Houthi, trong đó có lá chắn tầm xa Arrow 2 và Iron Dome (Vòm Sắt). Tel Aviv tuyên bố ít nhất một tên lửa phòng không đã đánh trúng mục tiêu, song không thể phá hủy toàn bộ quả đạn và khiến nhiều mảnh vỡ rơi xuống đất.
Vụ tập kích khiến truyền thông Israel đặt câu hỏi về cách IDF đối phó với quả đạn của Houthi khi không dùng hệ thống Arrow 3 tối tân để phá hủy nó ngoài bầu khí quyển, cũng như lý do họ phải phóng hàng loạt tên lửa để đánh chặn mục tiêu đơn lẻ.
IDF thông báo đang xem xét kết quả đánh chặn của các tổ hợp phòng thủ, song chưa giải thích lý do tên lửa không phá hủy được quả đạn của Houthi.
“Dù Israel không bị tấn công bằng vũ khí siêu vượt âm, hệ thống phòng thủ đã không hoàn thành nhiệm vụ. Đây là điều mà Houthi, Iran hoặc các nước khác có thể khai thác trong tương lai, dù cho IDF cố gắng che giấu lý do thất bại của họ lúc này”, biên tập viên Yonah Jeremy Bob viết trên tờ Jerusalem Post.
IDF nhiều lần bắn hạ tên lửa và máy bay không người lái (UAV) mà Iran và các nhóm vũ trang như Houthi, Hamas và Hezbollah phóng vào Israel, song thừa nhận lưới phòng không của họ vẫn có lỗ hổng. Phòng không Israel hồi tháng 7 bỏ lọt một UAV tầm xa của Houthi trong đòn tấn công thành phố Tel Aviv, khiến một người 50 tuổi thiệt mạng.
Hits: 4