Phản biện xã hội là sự tham gia của cá nhân, các tổ chức chính trị, tổ chức xã hội vào một vấn đề, một chủ trương, chính sách nào đó của Nhà nước nhằm làm cho chủ trương, chính sách đó ngày càng hoàn thiện trong thực tiễn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội và lợi ích người dân. Phản biện xã hội là kênh quan trọng giúp đường lối, chủ trương, chính sách ban hành được đúng đắn và đi nhanh vào cuộc sống. Thực tế thời gian qua, đa số các ý kiến phản biện của đảng viên và nhân dân đã được Đảng, Nhà nước trân trọng tiếp thu. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội, các đoàn thể và người dân giám sát, phản biện xã hội. Pháp luật Việt Nam cũng tạo những cơ sở pháp lý quan trọng để mọi thành viên trong xã hội đều có thể tham gia phản biện xã hội trước những quyết sách quan trọng của quốc gia. Tất cả các đạo luật trước khi được Quốc hội thông qua đều được đưa ra công khai xin ý kiến đóng góp, phản biện của nhân dân.
Phản biện xã hội là kênh quan trọng giúp chủ trương, chính sách ban hành được đúng đắn và nhanh đi vào cuộc sống.
Thế nhưng, bên cạnh đó vẫn còn có những ý kiến phản biện không mang tính chất xây dựng mà là suy diễn, quy chụp, lợi dụng phản biện để xuyên tạc, bôi nhọ cá nhân các đồng chí lãnh đạo; nói xấu Đảng, Nhà nước. Cũng có những kẻ đã lợi dụng danh nghĩa phản biện để gây mâu thuẫn, phá rối, thậm chí chuyển thành phản bội đồng chí, phản bội tổ chức, đi ngược lại lợi ích của quốc gia, của dân tộc.
Những kẻ đó đã che dấu, nguỵ trang những âm mưu, thủ đoạn, hành vi chống phá bởi những mỹ từ như: “ý kiến phản biện”, “thư góp ý”, “thư phản ánh”, “ý kiến tâm huyết”, “tâm thư”, “bản kiến nghị”… nhằm kêu gọi, hô hào sự ủng hộ của một bộ phận đảng viên và quần chúng. Điều đáng tiếc là một số người nhẹ dạ cả tin đã vô tình mắc vào “bẫy” này. Lợi dụng quyền dân chủ trong các cuộc họp, trong việc góp ý với các tổ chức Đảng, các cơ quan quản lý nhà nước, không ít người thổi phồng, xuyên tạc, bịa đặt nhằm bôi nhọ thanh danh, uy tín của đồng chí, đồng nghiệp, lãnh đạo các cấp, các cơ quan, tổ chức Đảng, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp; gây hoài nghi, hoang mang trong dư luận, làm giảm sút lòng tin của nhân dân vào Đảng và chế độ.
Đáng chú ý, có người vì động cơ chính trị không trong sáng, tư lợi cá nhân, lợi ích nhóm… lấy danh nghĩa phản biện gây mâu thuẫn và chia rẽ trong nội bộ. Đã có không ít vụ việc lấy danh nghĩa phản biện, một số đối tượng đã đưa lên báo chí hoặc mạng xã hội nhũng nội dung không đúng sự thật, thiếu công tâm, phản biện sai lệch gây hậu quả khôn lường cho uy tín, danh dự của các cá nhân, tập thể, đơn vị, địa phương.
Đáng báo động nữa đó là, gần đây đã xuất hiện tình trạng một số một số đối tượng lợi dụng danh nghĩa phản biện xã hội để châm chọc, đả kích, cố tình xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Có những cán bộ, đảng viên suy thoái, biến chất đã lợi dụng việc nêu ý kiến phản biện để đưa lên mạng xã hội những thông tin lệch lạc, trái ngược với quan điểm, chủ tương, đường lối của Đảng, Nhà nước. Ban đầu là xuất phát từ phản biện dần chuyển thành phản bội, đi ngược lại với lợi ích của đất nước, của dân tộc.
Để ngăn chặn triệt để tình trạng lợi dụng danh nghĩa phản biện xã hội để chống phá Đảng, Nhà nước thì Cấp uỷ, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng và nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân không để trở thành “con rối”, tiếp tay cho kẻ xấu, thế lực thù địch lợi dụng; Kiên quyết đấu tranh với những cá nhân có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; kịp thời phát hiện, ngăn chặn xử lý nghiêm những phần tử cơ hội, bất mãn chính trị lợi dụng danh nghĩa phan biện xã hội đưa ra thông tin tuyên truyền chống phá, xuyên tạc, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng.
Mang danh phản biện xã hội để phản bội hay đi ngược lại lợi ích của đất nước, của nhân dân là không thể chấp nhận được. Đã đến lúc phải hoàn thiện hành lang pháp lý, là cơ sở bảo đảm cho việc thực hiện phản biện xã hội một cách đúng đắn. Phản biện xã hội là kênh thông tin không thể thiếu nhưng phải được thực hiện một cách nghiêm túc, công khai, khoa học, tích cực và trách nhiệm để ngày càng đóng góp nhiều hơn, tốt hơn cho sự phát triển của quốc gia, của dân tộc.
Hits: 32