Hiện nay, theo thống kê tại Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021, tính đến 31/12/2020, trên cả nước có 779 cơ quan báo chí khác nhau, cụ thể: 612 tạp chí, 142 báo, 25 cơ quan báo điện tử độc lập. Có thể nói, số lượng các cơ quan báo chí đông đảo như trên đã góp phần lớn tuyên truyền kịp thời, chính xác và đầy đủ các thông tin từ chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến đông đảo quần chúng nhân dân; đưa nghị quyết, chính sách vào cuộc sống; phản ánh kịp thời những tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân; giúp lan tỏa thông điệp tích cực, hạn chế thông tin xấu độc, củng cố niềm tin của xã hội.

Bên cạnh những mặt tích cực không thể phủ nhận của báo chí, hiện nay một số tờ báo đặc biệt là báo điện tử hoạt động không đúng tôn chỉ mục đích, động cơ không trong sáng; phản ánh một cách phiến diện, thiếu khách quan, lợi ích nhóm, có tình trạng “sáng đăng, chiều gỡ”; đăng tải những thông tin thiếu chính xác, chưa được kiểm chứng đầy đủ, gây dư luận xấu, làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với chính quyền trong công tác quản lý nhà nước, gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của tổ chức, doanh nghiệp, gây phức tạp về ANTT tại địa phương.

Đơn cử như ngày 21/7/2021, Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường có đăng tải bài viết “Tuyên Quang: Bất chấp lệnh cấm, doanh nghiệp vẫn dùng tầu cuốc “rút ruột” sông Lô”; trong đó phản ánh: Những ngày đầu tháng 7 phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường có mặt tại cầu Tân Hà, thành phố Tuyên Quang, ghi nhận được những hình ảnh “đại công trường” khai thác cát với rất nhiều tầu hút, tầu cuốc dọc hai bờ sông. Dưới sông máy hút cát, tầu cuốc đang hoạt động hết công suất, tiếng máy nổ rầm rầm suốt ngày đêm…Tìm hiểu kỹ hơn, phóng viên được người dân sinh sống trên địa bàn cho biết, các tàu hút, tàu cuốc đang hoạt động trên sông là của Công ty cổ phần Lâm sản và Khoáng sản Tuyên Quang.

Bài báo của Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường thể hiện thông tin thiếu chính xác, chưa được kiểm chứng đầy đủ

 

Sau sự việc trên, phía Công ty cổ phần Lâm sản và Khoáng sản Tuyên Quang đã có Văn bản số 99/CV-CT ngày 22/7/2021 gửi Bộ Thông tin và Truyền Thông, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh và các đơn vị liên quan để tố cáo Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường đưa thông tin sai, gây ảnh hưởng đến uy tín của Công ty. Khu vực này, Công ty cổ phần lâm sản và khoáng sản Tuyên Quang không được cấp phép khai thác và cũng không có tổ chức, cá nhân nào hoạt động khai thác khoáng sản như báo nêu.

Căn cứ vào tôn chỉ, mục đích của các cơ quan báo chí đã được đăng tải công khai trên cổng thông tin điện tử của Bộ thông tin và truyền thông tại địa chỉ: https://mic.gov.vn/Pages/TinTuc/142418/Ton-chi-muc-dich-cac-co-quan-bao-chi.html; cơ quan chủ quản của Tạp chí Kinh tế Môi trường là Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, với tôn chỉ mục đích là: Tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng về lĩnh vực kinh tế môi trường; là diễn đàn trao đổi của các nhà khoa học, quản lý trong lĩnh vực kinh tế môi trường; giới thiệu những điển hình tiên tiến trong hoạt động thực tiễn về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Việc Tạp chí đăng tải những thông tin như nêu trên không chính xác, đi ngược với tôn chỉ mục đích được giao; gây bức xúc trong dư luận xã hội, gây ảnh hưởng đến hoạt động hợp pháp của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Thiết nghĩ, trong thời gian tới để hạn chế những thông tin xấu, độc trên không gian mạng, gây ảnh hưởng đến tình hình ANTT tại địa phương; các cơ quan có thẩm quyền cần có biện pháp quản lý chặt chẽ hoạt động báo chí; đảm bảo các cơ quan báo chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích từ quá trình tác nghiệp của phóng viên cho đến nội dung tin, bài được đăng tải trên các sản phẩm báo chí; xử lý nghiêm đối với cơ quan báo chí hoạt động không đúng tôn chỉ mục đích, lợi dụng hoạt động báo chí để nhũng nhiễu, tiêu cực; để báo chí thực sự là “cấu nối” giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân; giúp định hướng xã hội./.

Hits: 29

Similar Posts