Chúng ta đang sống trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, cuộc cách mạng 4.0 đã và đang làm thay đổi mạnh mẽ phương thức giao tiếp của con người. Đây cũng chính là thời cơ để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá Đảng, Nhà nước và đối tượng mà chúng tập trung hướng tới chính là thế hệ trẻ – bộ phận người dùng mạng chiếm đa số, dễ tiếp cận cái mới, thích tự do, khẳng định mình nhưng nhận thức về các vấn đề chính trị – xã hội còn chưa sâu sắc, “sức đề kháng” chưa cao trước những hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Vậy thủ đoạn nham hiểm mà chúng thường sử dụng là gì?
Để tác động tâm lý hòng lôi kéo thế hệ trẻ tham gia vào các hoạt động chống phá, chúng thường xuyên đăng tải các thông tin dưới dạng “lập lờ”, suy diễn nhằm gieo rắc sự hoài nghi, dẫn tới mất phương hướng chính trị; tạo ra các diễn đàn trên mạng (fanpage, blog, forum,…) để nhiều người trẻ tham gia truy cập và định hướng bình luận theo hướng tiêu cực, cổ súy lối sống đồi trụy, bạo lực, đua đòi, chạy theo hưởng lạc, không chịu học tập, làm việc dẫn đến lệch lạc trong suy nghĩ và hành động. Bên cạnh đó, chúng đưa các thông tin khoét sâu vào những vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong xã hội để kích động giới trẻ tỏ thái độ bất mãn và đặc biệt vào dịp diễn ra các sự kiện chính trị lớn của đất nước như: Đại hội Đảng các cấp, các ngày lễ kỷ niệm (Quốc khánh 02/9,…), chúng tăng cường tuyên truyền xúi giục thanh niên chống đối chính trị hoặc tham gia gây rối làm mất An ninh trật tự. Thời gian gần đây, chúng phát động cái là “phong trào dân chủ”, “nhân quyền”, “tự do ngôn luận”,… nhằm lôi kéo đội ngũ trí thức trẻ, sinh viên,.. tham gia để hòng tạo dựng lực lượng chống đối, phá hoại trên các lĩnh vực đời sống xã hội. Khi lực lượng chức năng vào cuộc xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật thì chúng “lu loa” rằng Việt Nam “hà khắc, bóp chết tự do, dân chủ”.
Pháp luật Việt Nam quy định cụ thể quyền công dân trên không gian mạng, trong đó có quyền tự do tìm kiếm, tiếp cận và trao đổi thông tin. Tuy nhiên tham gia môi trường mạng, công dân cũng có trách nhiệm, nghĩa vụ đối với cộng đồng, xã hội, đối với quốc gia, dân tộc mà mình đang sống, không được làm ảnh hưởng hay xâm phạm An ninh quốc gia, trật tự công cộng, đạo đức xã hội (Điều 8 Luật An ninh mạng quy định các hành vi bị nghiêm cấm trên không gian mạng).
Lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chính Minh đã từng dạy: “ Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần do các thanh niên”. Thấm nhuần lời dạy của Người, thế hệ trẻ ngày nay cần ra sức học tập, rèn luyện bản thân, nâng cao tinh thần, ý thức trách nhiệm đối với Tổ quốc và cảnh giác với các luận điệu xuyên tạc sai sự thật của các thế lực thù địch trên không gian mạng tránh để bị lôi kéo tham gia vào các hoạt động vi phạm pháp luật.
Hits: 22