Những năm gần đây, khi khoa học công nghệ thông tin bùng nổ thì báo chí ngày càng phát triển và hoàn thiện hơn, ngoài những nhiệm vụ chung, báo chí còn tham gia một cách dũng cảm trên mặt trận đấu tranh chống tham nhũng, chống tiêu cực và tệ nạn xã hội. Thông qua báo chí, người dân có thể phát biểu ý kiến, nguyện vọng của mình về các vấn đề trong đời sống xã hội.

Tính chân thật, khách quan là đặc trưng, đặc điểm, là yêu cầu tồn tại của bản thân báo chí và là nguyên tắc đầu tiên để làm báo. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường căn dặn các nhà báo phải luôn trung thực, coi đó là một trong những tiêu chuẩn đạo đức số một của người làm báo. Với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, yêu cầu báo chí phản ánh mọi mặt hoạt động của đời sống xã hội một cách chân thật, khách quan, đúng bản chất. Nhìn thẳng vào sự thật có nghĩa báo chí phải đưa tin cả về những thành công cũng như những hạn chế, khó khăn, thất bại. Đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật đòi hỏi người viết phải có phương hướng và năng lực tư duy để có thể trình bày một cách chân thực và đi đến bản chất của thông tin sự việc.

Tuy nhiên, đã không ít kẻ lợi dụng vấn đề tự do báo chí để tuyên truyền vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền. Hình thức chúng sử dụng chủ yếu trên các phương tiện truyền thông ở nước ngoài, trên Internet… đưa những quan điểm sai trái, thông tin sai lệch, xuyên tạc tình hình trong nước để kích động, nhằm tác động làm giảm lòng tin của cán bộ và nhân dân vào đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Các thủ đoạn của chúng thường rất đa dạng, chúng khai thác, sử dụng các thông tin trên báo chí công khai trong nước phản ánh các vấn đề tiêu cực, tệ quan liêu tham nhũng, các tệ nạn trong xã hội… để đăng tải theo kiểu thông tin một chiều, nhằm gây tác động đến tư tưởng người đọc; tập trung khai thác những thông tin về những việc thiếu sót, hạn chế, chưa làm được của ta trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước trên các lĩnh vực… rồi quy kết, “thổi phồng” thành những “sai lầm” của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Họ còn kích động dư luận xã hội lên tiếng, đả kích, quy chụp Đảng, Nhà nước yếu kém, mất dân chủ…; Chúng lôi kéo, kích động các đối tượng chống đối, bất mãn tập hợp lực lượng, lập các tổ chức chống đối thông qua các trang mạng, blogger cá nhân, lợi dụng phản biện xã hội để xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Trong những nội dung họ lợi dụng về vấn đề nhân quyền, nhiều vấn đề liên quan tự do ngôn luận, tự do báo chí được khai thác tối đa.

Trước hết, cần khẳng định việc một vài nhóm người tự thành lập các hội, nhóm liên quan đến báo chí thời gian qua cũng như điều hành các trang mạng, blog như một tờ báo điện tử có nhiều nội dung xấu, chống phá Đảng, Nhà nước là vi phạm pháp luật Việt Nam. Bởi vì không có một tổ chức xã hội nghề nghiệp nào được công nhận là hợp pháp nếu không thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật, được các cơ quan chức năng thẩm định theo quy định của pháp luật và cấp có thẩm quyền quyết định. Các tổ chức này do một nhóm người tự công bố thành lập, tự phong các chức danh cho nhau, không làm các thủ tục xin phép các cơ quan có thẩm quyền và chưa được Nhà nước công nhận nên không có giá trị pháp lý. Hơn thế nữa, trong số họ thậm chí có người đã từng có tiền án, tiền sự vi phạm pháp luật hiện hành đã bị các cơ quan pháp luật xử lý.

Báo chí là nhân tố, là phương tiện có sức mạnh đặc biệt to lớn trong việc định hướng nhận thức, hình thành dư luận xã hội. Báo chí là một lực lượng rất quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả của phản biện xã hội trong tiến trình xây dựng một xã hội thực sự dân chủ. Do đó, viết báo phải xuất phát từ cái tâm trong sáng của nhà báo Việt Nam vì lợi ích của quốc gia dân tộc, vì quyền lợi chính đáng của nhân dân và phải nhằm tạo nên sự đồng thuận cao trong xã hội và điều này cần thể hiện ở mọi nội dung đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Hits: 17

Similar Posts