Những ngày qua, tình hình nạn dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng virus mới corona gây ra đang diễn biến phức tạp, các nguồn thông tin về dịch bệnh này xuất hiện hầu như trên khắp các phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là trên các trang mạng xã hội. Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, trên mạng xã hội đã xuất hiện nhiều thông tin giả, thông tin thất thiệt gây hoang mang trong dư luận cũng như người dân. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với việc nhận diện thông tin xấu độc và ngăn chặn hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật.
Rất nhiều người đã bị xử lý vì đăng thông tin sai sự thật về dịch cúm Corona
Khi mạng xã hội phát triển, bên cạnh những mặt tích cực như lan truyền thông tin nhanh chóng thì đồng thời cũng kéo theo nạn tin giả, tin xấu, độc…gây hệ lụy khó lường.
Có không ít vụ việc đăng tải thông tin giả mạo, thông tin thất thiệt đã làm ảnh hưởng xấu tới dư luận xã hội, gây tâm lý hoang mang, bức xúc. Thậm chí, một số nghệ sĩ nổi tiếng, được dư luận quan tâm theo dõi vì nhiều lý do cũng sập bẫy tin giả và gián tiếp trở thành người truyền tải những thông tin không chính xác đến người dân, đều bị các cơ quan chức năng mời lên làm việc để làm rõ việc đăng tải thông tin sai sự thật lên mạng.
Thời gian qua, nạn tin giả, tin xấu liên quan đến virus corona cũng được các ngành chức năng đẩy mạnh xử lý ở nhiều địa phương như Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh…Trên fb cá nhân của Trần Tùng (Trần Văn Tùng, trú tại thành phố Vũng Tàu ) có đăng thông tin tại Bệnh viện Lê Lợi có 02 du khách người Trung Quốc nghi nhiễm virus corona nhập viện. Ngay sau khi đăng tải thông tin trên đã thu hút được 400 lượt chia sẻ và hơn 100 lượt bình luận, đến 21h20 tin này được gỡ bỏ. Qua xác minh, có 02 khách Trung Quốc đến bệnh viện Lê Lợi nhưng chỉ có 01 người có triệu chứng đau bụng, sốt cao và tiêu chảy còn người còn lại chỉ đi theo. Bệnh nhân qua kiểm tra và thăm khám, kết luận bị nhiễm trùng đường tiêu hóa, kê thuốc điều trị, ngày hôm sau ổn định đã được xuất viện. Đến ngày 28/01, Công an tỉnh Bà Rịa, Vũng Tàu đã xử phạt hành chính đối tượng Trần Văn Tùng mức tiền là 30 triệu đồng do đăng tin sai sự thật gây hoang mang dư luận.
Vậy tin giả từ đâu mà ra? Tin giả lan truyền là mặt trái của mạng xã hội. Không chỉ ở Việt Nam mà thông tin về dịch virus corona cũng xuất hiện tràn lan trên mạng tại nhiều nước qua các nền tảng xuyên biên giới như facebook, youtube…Cùng với đó rất nhiều thông tin về số người nhiễm, số người chết vì dịch cũng tạo nên luồng thông tin hỗn loạn trên mạng xã hội và tác động tiêu cực đến đời sống nhân dân.
Thực tế cho thấy, mục đích của những người tung tin thất thiệt thường là để câu like, câu view, tăng lượng theo dõi trên mạng xã hội từ đó đánh bóng tên tuổi hoặc cũng có thể là do họ thiếu hiểu biết dẫn đến việc không suy nghĩ kỹ mà đăng thông tin sai sự thật lên mạng xã hội.
Vì vậy mỗi người dân hãy thận trọng trong việc tiếp nhận thông tin, hạn chế việc chia sẻ thông tin chưa được kiểm chứng tránh gây hoang mang dư luận cũng là tiếp tay cho đối tượng để lan truyền tin xấu, độc.
Mỗi người dân hãy trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để phòng, chống dịch một cách thông minh, khoa học không vì các thông tin sai sự thật mà ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như công việc của cá nhân.
Hits: 49