Theo báo cáo thường niên của Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Mỹ về tình hình tự do tôn giáo quốc tế năm 2022 có nội dung khuyến nghị Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam vào Danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt (CPC) vì tình trạng vi phạm tự do tôn giáo nghiêm trọng và có hệ thống. Báo cáo của tổ chức có nội dung gay gắt hơn so với năm trước (phần về Việt Nam dài 03 trang), trong đó cho rằng năm 2022, Việt Nam tăng cường kiểm soát, bắt giữ và đàn áp các nhóm tôn giáo.
Ảnh minh họa
Đoàn Ủy ban tự do tín ngưỡng tôn giáo Mỹ đến Việt Nam từ ngày 14-19/5/2023 nêu quan ngại về sự gia tăng các vụ việc ép bỏ tín ngưỡng, việc Việt Nam tiếp tục bắt giữ “các tù nhân lương tâm tôn giáo”, kêu gọi Chính phủ Mỹ khuyến khích Việt Nam sửa đổi Luật Tín ngưỡng tôn giáo và các nghị định hướng dẫn thi hành, gây áp lực để Việt Nam cho phép các thủ tục đặc biệt liên quan của Liên Hợp quốc vào Việt Nam.
Thế nhưng tại Việt Nam: Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được quy định tại Khoản 1, 2 điều 24 Hiến pháp năm 2013, cụ thể: “1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. 2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”. Với tinh thần đó, Nhà nước ta đã luôn nhất quán chính sách tôn trọng và tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân thực hiện quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng và đang nỗ lực bảo đảm tốt nhất quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và bình đẳng giữa các tôn giáo. Ngày 18/11/2016, Quốc hội Khóa XIV đã thông qua Luật tín ngưỡng, tôn giáo; tiếp theo đó Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Với khuôn khổ pháp lý nêu trên, tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam ngày càng được bảo đảm trên thực tế. Hiện nay ở Việt Nam, Nhà nước đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo, với trên 26,5 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước, hơn 54 nghìn chức sắc, trên 135 nghìn chức việc và gần 30 nghìn cơ sở thờ tự. Bên cạnh đó, Việt Nam là quốc gia có hệ thống tín ngưỡng vô cùng phong phú, hiện nay ở Việt Nam có 50.703 cơ sở tín ngưỡng, trong đó khoảng 3.000 di tích gắn với cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo…
Thực tế, tổ chức USCIRF đã được Việt Nam đón vào thăm 5 lần (2002, 2007, 2009, 2015 và 2019). Trong những lần vào Việt Nam, bất chấp khuyến cáo, phản đối của các cơ quan chức năng, USCIRF luôn hoạt động sai chương trình đăng ký, tiếp xúc, gặp gỡ số tín đồ có thái độ chính trị cực đoan, công khai bày tỏ ý đồ sẵn sàng tài trợ cho số này thành “ngọn cờ” chống đối, thậm chí khuyến khích họ hoạt động độc lập, thoát ly khỏi chính quyền. Sau mỗi chuyến thăm, USCIRF đều đánh giá thiếu khách quan, xuyên tạc tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam và từ năm 2012 đến nay, liên tục khuyến nghị Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách CPC để áp đặt chế tài. Đánh giá tiêu cực, sai lệch của USCIRF đã phủ nhận những nỗ lực của Việt Nam trong hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như thực thi các chính sách bảo đảm, thúc đẩy tự do tôn giáo cho mọi người. Những đối tượng được USCIRF cho là “nhà hoạt động tôn giáo”, “tù nhân lương tâm” như trường hợp Nguyễn Bắc Truyển thực chất là những đối tượng vi phạm pháp luật và việc bắt giam, xét xử là đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật. Không thể đánh tráo hoạt động tôn giáo thuần túy với việc lợi dụng tự do tôn giáo.
Các báo cáo của USCIRF cũng đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều của dư luận quốc tế. Trong đó, một số chính giới Mỹ nhận xét báo cáo thiếu khách quan, đi ngược lại lợi ích quan hệ giữa Mỹ và các nước. Một số nghị sỹ và tổ chức nhân quyền của Mỹ cũng cho rằng cách tiếp cận của USCIRF về vấn đề tự do tôn giáo nặng về chỉ trích, không giúp cải thiện tự do tôn giáo trên toàn cầu cũng như mục đích mà Quốc hội và Chính phủ Mỹ đặt ra.
Xét thấy, mỗi quốc gia trong quá trình thực thi các quyền con người, những hạn chế, thiếu sót là không thể tránh khỏi, nhưng không phải vì thế mà chỉ nhìn vào những tiêu cực, những gam màu xám để phủ nhận sạch trơn nỗ lực, kết quả và bức tranh toàn cảnh tình hình của mỗi nước. Riêng với USCIRF- tổ chức NGO nước ngoài, cần tiếp nhận những thông tin một cách chính xác và có cách tiếp cận khách quan, mang tính xây dựng khi công bố báo cáo thường niên về tự do tôn giáo, không chỉ với Việt Nam và các quốc gia khác trên thế giới. Đấy mới chính là tôn chỉ, mục đích chân chính của một tổ chức muốn hướng đến thúc đẩy quyền tự do tôn giáo trên toàn thế giới./.
Hits: 24