Thời gian gần đây xuất hiện hiện tượng lợi dụng các tính năng của mạng xã hội như: Phát sóng trực tuyến (livestream), chia sẻ hình ảnh, video clip, trao đổi theo nhóm (group chung)… để đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật. Trong đó chủ yếu là xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép… gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Trong bối cảnh công nghệ phát triển như vũ bão, mạng xã hội ngày càng trở thành nhu cầu như “cơm ăn, nước uống”, việc sử dụng mạng xã hội lành mạnh, có ý thức, có trách nhiệm là điều mỗi người cần phải quan tâm. Trước hết là việc tuyên truyền để mỗi người dân hiểu về văn hóa ứng xử trên môi trường mạng, nắm được những quy định như không được xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm người khác, thông tin bịa đặt, sai sự thật, phá hoại thuần phong mỹ tục…

Tác động truyền thông của hình thức livestream (trạng thái động) mạnh hơn chia sẻ thông qua hình thức đăng trạng thái (status) trên Facebook (trạng thái tĩnh). Với trạng thái tĩnh, thông tin có thể bị kiểm duyệt, ngăn chặn nội dung ngay lập tức nếu có từ ngữ hoặc hình ảnh vi phạm, nhưng kiểm soát khi phát sóng trực tiếp thì khó hơn. Bên cạnh đó, các kênh livestream chưa có khuôn khổ kiểm soát độ tuổi người xem, nội dung livestream lại nhiều ngôn từ, nội dung chưa phù hợp với trẻ em.

Hình thức livestream trên mạng xã hội facebook

“Mỗi người đều có quyền tự do ngôn luận, và pháp luật Việt Nam bảo vệ quyền tự do ngôn luận của công dân. Nhưng đây không phải là một quyền tuyệt đối, và các phát ngôn dựa trên chủ kiến cá nhân, thông tin chưa kiểm chứng rất dễ lấn qua lằn ranh xâm hại tới quyền và lợi ích của người khác.”

Hầu hết trong số hơn 65 triệu người Việt tham gia mạng xã hội đều có thái độ, tình cảm, trách nhiệm đúng mực với cộng đồng xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận tham gia mạng xã hội thiếu trách nhiệm, có những việc làm vi phạm pháp luật, trong đó có hành vi cố tình làm hại lợi ích, xúc phạm danh dự của người khác, vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục.

Mạng xã hội luôn rộng mở với mỗi người nhưng việc sử dụng mạng xã hội không đúng cách có thể khiến người dùng bị phạt vi phạm hành chính hoặc nghiêm trọng hơn là truy cứu trách nhiệm hình sự. Chẳng hạn, Điều 21 của Hiến pháp năm 2013 quy định mọi người đều có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Trường hợp có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, đối tượng thực hiện có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác (Điều 155) hoặc tội vu khống (Điều 156) theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015.

Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 15-4-2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử cũng quy định rất rõ mức xử phạt đối với các hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc.

Mới đây nhất, ngày 28-5-2021, Bộ Thông tin và Truyền thông ra Công văn 1800/BTTTT-PTTH&TTĐT về việc tăng cường công tác quản lý, xử lý thông tin vi phạm trên mạng xã hội. Trước hiện tượng một số đối tượng lợi dụng mạng xã hội để đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, trong đó chủ yếu là xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép…

Với mỗi người tham gia mạng xã hội, điều quan trọng là cần có ý thức, thể hiện mình là người có trách nhiệm với đất nước, với cộng đồng; biết tôn trọng nhân phẩm, danh dự, quyền lợi của người khác. Từ đó mà có trách nhiệm với mỗi bài viết, mỗi hình ảnh, mỗi “comment” (bình luận) khi đăng lên mạng xã hội, đồng thời có thái độ phê phán với những người sử dụng mạng xã hội để bịa đặt, xuyên tạc sự thật, gây hại với người khác.

Hits: 24

Similar Posts