Quyền tự do ngôn luận là một trong những quyền cơ bản của con người được thừa nhận trong Điều 19 Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền và được thừa nhận trong luật nhân quyền quốc tế tại Điều 19 Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị. Tuy nhiên quyền này luôn bị hạn chế bởi một số quy định pháp luật, đặc biệt khi tự do ngôn luận xung đột với các giá trị hay quyền khác nhằm mục đích đảm bảo việc thừa nhận, tôn trọng đối với các quyền và quyền tự do của người khác, đáp ứng được những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ. Ngay cả ở các nước phát triển như Mỹ, Pháp, Anh, Đức…đều có những quy định chặt chẽ nhằm xử lý hành vi lợi dụng quyền tự do ngôn luận để xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân hay tổ chức khác.
Trong Hiến pháp 2013 của Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định nguyên tắc: “các quyền con người, quyền công dân được công nhận, tôn trọng và bảo vệ, đảm bảo theo Hiến pháp và pháp luật”; “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin…” (Điều 25). Những quy định này còn được triển khai thực hiện bằng các văn bản pháp luật như Luật sửa đổi và bổ sung một số điều của Luật Báo chí 1999, Bộ luật Dân sự sửa đổi năm 2015…
Cũng như các quốc gia khác trên thế giới, việc thực hiện quyền tự do ngôn luận của các công dân “chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng” (Điều 14 – Hiến pháp 2013).
Trong thời đại phát triển của công nghệ thông tin như hiện nay, nhất là sự phổ biến của các ứng dụng mạng xã hội như facebook, tiktok… là điều kiện để mỗi công dân dễ dàng thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình. Việc chia sẽ các thông tin báo chí, đăng tải các thông tin cá nhân trên Intrenet là quyền tự do con người. Tuy nhiên, thời gian vừa qua tại Việt Nam, đã có không ít trường hợp lợi dụng Internet nhất là các trang mạng xã hội để đăng tải các thông tin sai sự thật, thậm chí còn xuyên tạc bôi nhọ danh dự người khác nhằm đạt được ý đồ cá nhân. Một số trang mạng của các tổ chức, cá nhân phản động như Thanh niên Công giáo, Nhật ký yêu nước, Việt tân thường xuyên đang tải các thông tin sai lệch nhằm tuyên truyền cho người dân hiểu sai bản chất sự việc, kích động mâu thuẫn, gây mất đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc.
Có thể nói, Internet là môi trường tràn ngập thông tin đa chiều. Vì vậy, để không bị lợi dụng vào các chiêu trò lừa đảo của các đối tượng trong và ngoài nước, mỗi cá nhân cần có cái nhìn tổng thể và đánh giá khách quan, chính xác.
Thiết nghĩ, một xã hội phát triển khi quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí được đảm bảo, nhất là sự phản biện, tranh luận giữa các thành viên. Tuy nhiên, tự do ngôn luận phải trên cơ sở tôn trọng, thông tin trung thực, khách quan và trên hết phải vì lợi ích của nhân dân, vì mục tiêu xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh. Bất cứ một hành vi mạo danh, xuyên tạc sự thật vì lợi ích cá nhân, gây mâu thuẫn, mất đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo đều bị lên án và trừng trị theo pháp luật.
Hits: 41