Từ những năm cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, khái niệm cách mạng màu xuất hiện và bắt đầu được nhắc tới nhiều. Nhiều quốc gia ở Đông Âu thuộc Liên Xô (cũ) hay ở các quốc gia ở Trung Đông và Bắc Phi rơi vào tình trạng bất ổn chính trị và hệ quả của nó vẫn kéo dài đến tận bây giờ.
“Cách mạng màu” (colour revolution) hay còn được biết đến với tên gọi như cách mạng cam, nhung, hạt dẻ, hoa hồng, hoa tulip ở Trung Đông, Bắc Phi; hay cách mạng đường phố (Maidan ở Ukraina, Ô dù ở Hồng Kông) hoặc cách mạng nghị trường ở Gruzia, Venezuela,… là thuật ngữ dùng để chỉ các cuộc bạo lực chính trị có tổ chức, chính biến phi vũ trang ở quốc gia có chủ quyền nhằm lật đổ nhà nước đương nhiệm, gây ra khủng hoảng chính trị, đồng thời lập ra bộ máy cầm quyền mới của lực lượng đối lập được Mỹ và phương Tây hậu thuẫn. Đó là chiến lược toàn cầu của Mỹ sử dụng những phương thức, thủ đoạn điển hình là sự phản đối quy mô lớn bằng biện pháp phi bạo lực nhằm mục đích thay đổi chế độ đang tồn tại để thiết lập một chính phủ thân Mỹ và phương Tây kể từ thời kỳ hậu chiến tranh lạnh đến nay.
Theo các chuyên gia phân tích, Cách mạng màu là một trong âm mưu diễn biến hòa bình mà các thế lực thù địch đã và đang thực hiện. Một trong những mục tiêu của âm mưu này là lật đổ các nước xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, Việt Nam là một trong những mục tiêu mà chúng sẽ tấn công. Các vụ việc trong nhiều năm qua cho thấy rằng các thế lực thù địch luôn không ngừng sử dụng chiến lược diễn biến hòa bình nhằm xóa bỏ chế độ XHCN ở Việt Nam. Những biểu hiện của cái gọi là Cách mạng màu vì thế cũng đã manh nha xuất hiện ở Việt Nam. Đó chính là các cuộc tụ tập đông người dưới nhiều lý do, trong đó có cả những cuộc tụ tập đập phá gây bất ổn xã hội. Có thể kể đến vụ việc vào năm 2018, tại một số tỉnh, thành trong cả nước, đặc biệt là ở Bình Thuận và Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra cảnh nhiều người tụ tập trái phép, biểu tình bày tỏ thái độ không đồng tình với Dự thảo Luật đặc khu đang được Quốc hội xem xét, gây ách tắc giao thông, thậm chí ở nhiều nơi trụ sở chính quyền bị đập phá, để lại hình ảnh xấu về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Điển hình là tối ngày 10-6-2018, hàng trăm người quá khích đã xô cổng, đập vỡ cửa kính vọng gác, tấn công lực lượng bảo vệ và ném bom xăng, đốt một số xe máy, ô tô bên trong trụ sở UBND tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận.
Hình ảnh các đối tượng kích động, đập phá, đốt xe tại cổng trụ sở Hội đồng nhân dân tỉnh và Sở KH&ĐT tỉnh Bình Thuận năm 2018
Hình ảnh xe ô tô bị các đối tượng quá khích ném bom xăng đốt cháy rụi trong trụ sở Sở Phòng cháy Chữa cháy Bình Thuận và Sở KH&ĐT tỉnh Bình Thuận năm 2018
Trong truyền thông phương Tây, cách mạng màu được miêu tả rất hấp dẫn, giàu hứa hẹn như là những cuộc cách mạng dân chủ và nhân quyền phổ biến, trong đó, người dân có quyền đòi hỏi trách nhiệm dân chủ và yêu sách đối với việc quản trị của chính quyền sở tại. Thực tế, cách mạng màu mang tính mị dân, người dân không có quyền lợi gì, thậm chí sau cách mạng là khủng hoảng chính trị, bất ổn xã hội kéo dài, mâu thuẫn giai tầng và dân tộc sâu sắc, kinh tế chậm phát triển, đói nghèo và thương vong gia tăng, đẩy các nước lâm vào hỗn loạn.
Điều rất đáng lo ngại là hiện nay, trước thảm cảnh người dân các quốc gia có chính phủ bị lật đổ, tình hình chính trị bất ổn sau cái gọi là “cách mạng màu”, nhiều người Việt vẫn tỏ ra ngây thơ và hầu như không ý thức được sự nguy hiểm của hoạt động do các đối tượng chuyên chống phá, kích động, lôi kéo, gây bạo loạn lật đổ, mà thực chất đứng đằng sau giật dây chính là các thế lực thù địch và bọn phản động chống phá Đảng, Nhà nước ta. Họ vô tư chuyền tay nhau các thủ thuật chống lại chính quyền, vì quyền lợi hẹp hòi cá nhân họ sẵn sàng tiếp tay các tổ chức chống phá trong và ngoài nước lên án với mục đích hạ uy tín Đảng, Nhà nước ta, gây hoang mang bất ổn xã hội. Thậm chí nhiều người còn cho đó là việc đáng tự hào!
Bài học từ các nước Trung Đông, Bắc Phi và Ukraina vẫn đang nóng hổi. Hiểm hoạ “cách mạng màu” có tái diễn ở Việt Nam hay không phụ thuộc không nhỏ vào ý thức trách nhiệm của mỗi người Việt Nam hôm nay./.
Hits: 38