Trong mấy ngày qua, một vài câu nói khiến nhiều người khá bực bội và bất bình, đại loại là: “lên án nghệ sĩ rồi ai cứu dân”, “nghệ sĩ sợ rồi, dân ai cứu”, “mốt có bão lũ thì nghệ sĩ không cứu nữa, đó không phải là trách nhiệm của người nghệ sĩ”. Một nghệ sĩ có chút tên tuổi trong showbiz đăng tin tức về một cơn bão sắp đổ bộ miền Trung kèm theo lời bình luận: “mong bão lũ như năm ngoái để nhiều người nhận ra” và “từ từ rồi có người khác giúp”.
Đầu tiên, việc “mong chờ” bão lũ đổ bộ để chứng minh cho cái luận điểm “rồi ai sẽ cứu dân” hay “không có nghệ sĩ nào giúp nữa…” thực sự là vô nhân đạo! Với tư cách là người trong một nước, là đồng bào, thì phải cầu làm sao cho bão lũ không ghé đến nữa, cầu cho trời yên bể lặng, hoặc mưa gió xíu thôi. Đằng này chỉ vì mưu cầu tiểu nhân của bản thân rồi cầu mong “bão lũ” đến, thì cũng chịu với các quý vị!
Ngồi trong điều hòa, chung cư cao cấp, biệt thự, penthouse… mưa không đến mặt, nắng không che đầu, thì dễ hiểu sao quý vị lại dễ dàng thốt ra những câu phát ngôn như vậy. Người dân miền Trung phải chịu nhiều thiên tai, nắng hạn, mưa lũ… và không cần ai “cầu” thêm nữa.
Tiếp nữa, đừng đánh đồng tất cả “nghệ sĩ”, đừng có đưa những người nghệ sĩ chân chính, vì nghệ thuật hay làm từ thiện tâm huyết vào gom chung với những người “nghệ sĩ” gian dối, không minh bạch. Đừng có mượn danh những người nghệ sĩ chân chính, núp bóng họ rồi ngụy biện đổi trắng thay đen; rồi giận dỗi quy chụp, coi việc “đấu tranh yêu cầu minh bạch, rõ ràng trong việc từ thiện nhân đạo” trở thành “đấu tranh cấm hát hò” hay “đấu tranh cấm âm nhạc”? Đâu phải như vậy ?
“Tôi làm việc này (sao kê) để lấy lại danh dự cho giới nghệ sĩ”. Nếu chiếu theo câu này, thì có nghĩa danh dự của giới nghệ sĩ đã mất đi nên mới cần lấy lại. Nhưng đâu phải vậy, danh dự của giới nghệ sĩ không mất đi đâu cả, mà chỉ bị hoen ố đi bởi những nghệ sĩ rởm đời và đầy thị phi. Trước mắt, sao kê hay minh bạch thông tin để trả lại danh dự cho hai chữ “nghệ sĩ”, khiến cho những đồng nghiệp chân chính đỡ mang tiếng khi là… “nghệ sĩ”, sau đó là thể hiện trách nhiệm với cộng đồng… Tự mặc một tấm áo ghi hai chữ “nghệ sĩ” không có nghĩa là có đầy đủ quyền lực, quyền hạn và đại diện cho toàn thể giới nghệ sĩ.
Nếu phải trả lời câu hỏi, “không có nghệ sĩ thì ai cứu dân”, thì câu trả lời có lẽ thật dễ dàng và nhiều người cũng đã trả lời được.
Đúng hơn có thể viết lại là “không có một số nghệ sĩ này thì sẽ có một số nghệ sĩ khác cứu dân”. Những người nghệ sĩ khác ở đây là ai? Là những người minh bạch, rõ ràng trong chuyện từ thiện, làm từ thiện có đội ngũ chuyên nghiệp không cảm tính, không gây chia rẽ.
Nghệ sĩ hỗ trợ người dân xây một vài ngôi nhà chống lũ rồi khoe được hơn 30 tờ báo đăng tải. Còn “ai đó” tái xây dựng nhiều khu làng tái định cư, bố trí nơi ăn chốn ở cho đồng bào ở nhiều làng mạc bị mất trắng sau lũ, gồng mình chở hàng hóa xây dựng lại làng bản cho người dân tộc thiểu số… thì mấy người biết ?
Tổng số tiền “một số nghệ sĩ” vướng những cáo buộc không minh bạch hỗ trợ miền Trung vào khoảng 200 – 220 tỷ đồng. Tính ra còn chưa bằng một doanh nghiệp loại A hỗ trợ, chứ chưa nói đến doanh nghiệp loại S. Và xin nhắc lại, đó là tiền của mạnh thường quân trong và ngoài nước, không phải là tiền của họ. Họ chỉ góp vào một phần trong đó thôi.
Tại buổi lễ ra mắt Quỹ vắc xin phòng COVID-19 ngày 05/6/2021, Tập đoàn VNPTđã ủng hộ 400 tỷ vào Quỹ vaccine phòng Covid-19
Có nhiều chiến sĩ đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn người dân, hàng trăm đoàn từ thiện khác… Nhưng rồi vẫn có người vô cảm thốt ra những câu như: “người dân bị bỏ mặc”, “không ai giúp dân ngoài nghệ sĩ”…
Lực lượng Công an cứu trợ Nhân dân trong đợt bão lụt lịch sử năm 2020
Lấy ví dụ như đợt chống bão Côn Sơn trong thời gian vừa qua, Chính phủ huy động tới 500 ngàn chiến sĩ, dân quân tự vệ, công an, bác sĩ, thanh niên, tình nguyện viên… làm nhiệm vụ chống bão, sơ tán dân, cứu hộ cứu nạn… Nhân lực phải nhiều thì mới hỗ trợ được cho khoảng 10 – 12 triệu hộ dân được dự đoán bị ảnh hưởng của bão lũ từ nhẹ đến nặng, mới giúp cho người dân trở lại cuộc sống bình thường mới ngay sau đó không lâu… Năm ngoái, chúng ta đã sơ tán khoảng gần hai triệu lượt người dân khắp nơi nhằm tránh bão lũ. Năm nay, chỉ một cơn bão Côn Sơn, hơn 360 ngàn người dân cũng đã được dự kiến sơ tán; không ít trong đó đã được sơ tán theo phương án đã đề ra. Nghệ sĩ nào làm được một vài việc “đơn giản” như vậy ?
Nhiều người cứ coi một số nghệ sĩ tham gia cứu trợ như là cái gì đó to lớn lắm, vĩ đại lắm và là lực lượng chủ đạo hỗ trợ người dân không bằng. Từ thiện là đáng quý, giúp người dân được thứ gì cũng đều tuyệt vời. Nhưng “sự thần thánh hóa” một số nghệ sĩ, hạ thấp đi những lực lượng khác, như bộ đội, dân quân, các đoàn từ thiện “không phải là nghệ sĩ”, tình nguyện viên… thì chắc chắn là một sai lầm.
Không ai lên án “nghệ sĩ đi làm từ thiện”, họ lên án “những nghệ sĩ không minh bạch và rõ ràng”. Công chúng nhắm vào một số nghệ sĩ vướng bê bối, chứ không nhắm vào toàn bộ giới nghệ sĩ. Tại sao có những nghệ sĩ được tôn trọng, nhưng lại có những nghệ sĩ bị chỉ trích ?
Đừng trộn lẫn và đánh đồng, vàng thau không thể lẫn lộn !
Hits: 39