Trong tình hình thực tế nước ta hiện nay Bộ Chính trị xác định rõ công tác bầu cử diễn ra trong bối cảnh hết sức khó khăn. Chúng ta phải đối mặt với nhiều thách thức như: sự ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, các tổ chức đối lập.
Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 đang đến gần, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội, bất mãn chính trị lại giở các chiêu trò, thủ đoạn để tung những thông tin xấu độc, những luận điệu xuyên tạc nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, chia rẽ nhân dân với Đảng và Nhà nước ta. Chúng đang gia tăng đăng tải, phát tán trên các trang mạng xã hội những bài viết, luận điệu sai trái, bóp méo, xuyên tạc sự thật về công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Chúng đưa ra những luận điệu sai trái về tính dân chủ và vai trò của Đảng trong bầu cử, đưa thông tin sai lệch, lợi dụng dân chủ để dẫn dắt dư luận xã hội, phá hoại cuộc bầu cử.
Không phải đến thời điểm hiện tại các đối tượng chống phá mới tiến hành chống đối nhưng phải kể đến chiêu trò “tự ứng cử”. Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021, chúng ta cũng đã được chứng kiến một “làn sóng” tự ứng cử của các “nhà dân chủ” và một số văn nghệ sĩ biến chất, khi không đủ điều kiện và bị loại qua các vòng hiệp thương, các đối tượng này lên mạng xã hội rêu rao những luận điệu hết sức sai trái như: chỉ có những người “theo phe” Đảng Cộng sản mới có cơ hội ứng cử đại biểu Quốc hội; phải để các ứng cử viên tự do tranh cử, dựa trên chữ ký của cử tri mà không cần phải trải qua hiệp thương; Đảng Cộng sản cố tình “cản trở” người ngoài Đảng tự ứng cử vào đại biểu Quốc hội v.v…Có thể thấy mục đích cơ bản nhất của chiêu trò “tự ứng cử” mà các “nhà dân chủ” đang thực hiện là nhằm phá hoại bầu cử. Đồng thời, thông qua việc tự ứng cử đại biểu Quốc hội, các đối tượng đánh bóng tên tuổi của bản thân trong giới “dân chủ”.
Ngoài ra, những thông tin được các đối tượng xấu đưa ra đã trở thành cái cớ cho các thế lực thù địch bên ngoài xuyên tạc, biến tướng, vu khống, công kích công tác bầu cử của Việt Nam. Pháp luật nước ta quy định công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND các cấp. Quyền bầu cử và ứng cử là của công dân, là quyền được hiến định. Không ai có quyền cản trở việc công dân thực hiện những quyền này.
Hiện nay, các thế lực phản động, chống đối cũng tìm mọi thủ đoạn để phá hoại bầu cử, cài cắm các “mầm mống dân chủ” vào Quốc hội nhằm biến nghị trường trở thành diễn đàn để các đối tượng thực hiện hoạt động chống phá, hình thành lực lượng đối lập trong Quốc hội – cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và hiện thực hóa chiến lược “diễn biến hòa bình”, làm nước ta tự suy yếu từ bên trong. Do vậy mỗi người chúng ta cần nên cảnh giác, đề cao tinh thần trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ công dân, sáng suốt lựa chọn những người thật sự có phẩm chất, đạo đức, trí tuệ và uy tín đại diện cho chính mình.
Hits: 13