Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình trong hai ngày 12 và 13/12 đã thành công tốt đẹp, được báo chí trong nước và quốc tế phản ánh đậm nét. Lợi dụng sự kiện này, các thế lực thù địch, phản động tung ra những luận điệu đả phá, xuyên tạc mối quan hệ hợp tác, ngoại giao giữa hai nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Mạnh Quân).

Nhận diện các luận điệu xuyên tạc

Xuyên tạc đường lối đối ngoại, chính sách ngoại giao của nước ta là một trong những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động, các phần tử cơ hội. Trước, trong và sau khi diễn ra sự kiện, các đối tượng liên tục đưa ra các luận điệu như “Bệ hạ chém đầu thần rồi hãy hàng. Tinh thần bất khuất, can đảm, dũng lược…của dân tộc Việt đã bị mất khi lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam thần phục kẻ xâm lược”, “Rước voi về giày mả tổ, cõng rắn cắn gà nhà”, “Quan chức tỉnh Nghệ An đi đầu trong việc nhồi nhét tiếng Trung vào nhà trường”… cố tình làm sai lệch bản chất quan điểm “ngoại giao cây tre” của Việt Nam, cho rằng “Tre đại diện cho sự chính trực, dưới chế độ cộng sản thì hình ảnh biến tướng thành sự lươn lẹo, trí trá”…

Đằng sau luận điệu xuyên tạc đó là gì?

Trong những năm gần đây, bất cứ sự kiện nào liên quan đến quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đều được dư luận cả quốc tế và cả trong nước hết sức quan tâm, nhất là sự kiện các nhà lãnh đạo của hai Đảng, hai Nhà nước, Chính phủ hai nước đến thăm hữu nghị lẫn nhau và sự kiện Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình trong hai ngày 12 và 13/12 cũng không phải ngoại lệ.

Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng, núi liền núi, sông liền sông, biển liền biển và có nhiều điểm tương đồng từ văn hóa, lịch sử cho đến thể chế chính trị hiện nay. Quan hệ giữa hai nước tuy trải qua nhiều thăng trầm nhưng tình hữu nghị, hợp tác tốt đẹp giữa Nhân dân hai nước không ngừng được bồi đắp qua nhiều thế hệ và vẫn luôn là dòng chảy chính để cùng hợp tác, phát triển. Vì vậy, đằng sau luận điệu xuyên tạc đó chắc chắn là âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch khi thúc đẩy cái gọi là: “Bài Trung”, “thoát Trung” hay “thân Mỹ” ở Việt Nam trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” mà chúng dã tâm theo đuổi suốt thời gian qua.

Trước những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội sau 100 lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhất là sau gần 45 năm mở cửa, cải cách và hơn 35 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam nói chung và quan hệ ngoại giao ngày càng tốt đẹp giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện nay nói riêng khiến chúng cay cú vì khó đạt được mục tiêu đen tối đó, nhân sự kiện này chúng lại tiếp tục rắp tâm xuyên tạc để chống phá để phá vỡ tình hữu nghị theo tinh thần “4 tốt” và “16 chữ vàng” mà các thế hệ lãnh đạo hai nước và Nhân dân hai nước kiên trì vun đắp. Mục đích cuối cùng là của chúng chống phá chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Việt Nam và Trung Quốc, lái chúng ta theo con đường của chủ nghĩa tư bản.

Sự thật đã, đang và sẽ bác bỏ thẳng thừng mọi luận điệu xuyên tạc

Về hợp tác kinh tế Việt – Trung, quan hệ hợp tác thương mại song phương trong 15 năm qua phát triển nhanh, hợp tác đầu tư có hiệu quả rõ rệt. Cụ thể, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, còn Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực Đông Nam Á, là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc trên thế giới. Kim ngạch thương mại song phương có những năm đã vượt mốc 200 tỷ USD. Theo số liệu thống kê của Hải quan Trung Quốc, 11 tháng của năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tăng 3,7% so cùng kỳ 2022, nhập siêu từ Trung Quốc vào Việt Nam giảm 24,8%.

Trung Quốc sẵn sàng mở rộng nhập khẩu các mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam. Qua 3 quý của năm 2023, kim ngạch nhập khẩu nông sản từ Việt Nam của Trung Quốc tăng 160% so cùng kỳ. Đầu năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đạt 1 tỷ USD, nhưng qua 10 tháng, kim ngạch nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam đã đạt 1,95 tỷ USD.

Quan hệ hợp tác đầu tư giữa Trung Quốc và Việt Nam đạt hiệu quả hơn. Lượng đầu tư vào Việt Nam của các nhà đầu tư Trung Quốc gia tăng, lĩnh vực đầu tư rộng, sức tăng trưởng nhanh. Tính đến tháng 8/2023, các nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư gần 4.000 dự án vào Việt Nam, tổng vốn đăng ký 26 tỷ USD, đứng thứ 6 trong tổng số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.

Với chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 12 – 13/12, đây là chuyến thăm Việt Nam lần thứ 3 của ông Tập Cận Bình trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Lần đầu tiên có một Tổng Bí thư của Trung Quốc thăm Việt Nam đến 3 lần. Điều này thể hiện sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo Trung Quốc đối với Việt Nam. Chuyến thăm càng có ý nghĩa nhân kỷ niệm 15 năm Việt Nam và Trung Quốc thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện (2008 – 2023). Trung Quốc là nước đầu tiên Việt Nam thiết lập mối quan hệ hợp tác này, trong khi Việt Nam là nước đầu tiên trong khối ASEAN mà Trung Quốc thiết lập khuôn khổ mối quan hệ ngoại giao ở mức cao nhất.

Có thể nói, từ sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông đặt nền móng xây dựng và vun đắp cho mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc, dù có những lúc mối quan hệ khó khăn, nhưng lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc không ngừng củng cố mối quan hệ truyền thống, hợp tác cùng có lợi, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Mối tình hữu nghị Việt – Trung vừa là đồng chí vừa là anh em”.

Những năm gần đây, dưới sự lãnh đạo chiến lược của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư Tập Cận Bình, mối quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc không ngừng đạt được tiến triển mới. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được lãnh đạo Trung Quốc mời thăm và tiếp đón chính thức ngay sau Đại hội lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (tháng 10/2022). Chuyến thăm đã thành công tốt đẹp, mang ý nghĩa lịch sử đối với hai nước.

Khi mà quan hệ hợp tác Việt Nam – Trung Quốc đang ở mức cao nhất trong lịch sử, chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình mở ra một giai đoạn phát triển mới tốt đẹp hơn cho quan hệ hai nước. Dịp này, Việt Nam và Trung Quốc đã ra tuyên bố chung; ký 36 văn kiện hợp tác quan trọng trên các lĩnh vực, như: Hợp tác kênh Đảng, quốc phòng – an ninh, hợp tác trong lĩnh vực tư pháp, truyền thông, kết nối phát triển, kinh tế thương mại và đầu tư, kinh tế số, phát triển xanh, xuất, nhập khẩu hàng nông sản, thủy lợi, hợp tác trên biển… Đặc biệt, kỳ vọng là dự án hợp tác xây dựng tuyến đường sắt Hà Khẩu – Vân Nam – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, giúp thuận tiện xuất khẩu hàng hóa, nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc, từ đó kết nối với Nga, Trung Á, Châu Âu…

Kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại

Với một đất nước đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh, người dân đã phải đổ nhiều máu xương để gìn giữ hòa bình, độc lập, chúng ta không thể quên quá khứ đau thương, cũng không lơ là mất cảnh giác. Đảng ta luôn lấy lợi ích quốc gia dân tộc làm tiêu chí. Và Việt Nam luôn nhất quán đường lối, chính sách đối ngoại linh hoạt, mềm dẻo dựa trên nhận thức đúng về đối tác và đối tượng. Trên lĩnh vực đối ngoại quốc phòng, Việt Nam thực hiện chính sách quốc phòng “4 không”: Không tham gia các liên minh quân sự; không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào; không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia… Như vậy, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước Việt Nam không phải là một chiến lược, sách lược ngoại giao nhất thời mà là một chính sách chính trị, công khai, minh bạch, phù hợp xu thế phát triển của thế giới. Những gì đã và đang diễn ra trong quan hệ ngoại giao nói chung; quan hệ giữa Việt Nam – Trung Quốc nói riêng đã bác bỏ hoàn toàn những luận điệu sai trái mà các trang tin chống cộng đang ra sức xuyên tạc, chống phá./.

Hits: 36

Similar Posts