Pháp luật Việt Nam luôn tôn trọng và bảo vệ các quyền chính đáng của công dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã khẳng định: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc…” (Trích Tuyên ngôn độc lập năm 1945). Ấy vậy nhưng các thế lực thù địch luôn ra sức lợi dụng các quyền cơ bản của con người để xuyên tạc rằng “Việt Nam không có tự do ngôn luận”, “Việt Nam vi phạm nhân quyền”.
|
Trong bối cảnh phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, các thế lực thù địch, phản động triệt để lợi dụng không gian mạng (Facebook, youtube, blog,…) là “công cụ” để thể hiện cái gọi là “tự do ngôn luận” nhằm xuyên tạc thực tế lịch sử, tung tin đồn nhảm gây nhiễu dư luận, làm hoang mang trong nhân dân, từng bước chia rẽ làm suy giảm lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng. Chúng tập hợp các phần tử bất mãn, cơ hội chính trị trong nước để ảo tưởng tạo dựng các tổ chức bất hợp pháp mong muốn hình thành các “ngọn cờ” chống đối, điển hình như: Hội nhà báo độc lập, Văn đoàn độc lập… Một mặt chúng cổ xúy cho những “nhà dân chủ” rởm, những đối tượng vi phạm pháp luật thông qua quyền “tự do ngôn luận”; mặt khác chúng lừa phỉnh, kích động người dân bằng luận điệu “mỗi người dân có quyền tự do bày tỏ chính kiến không giới hạn” và lôi kéo người tham gia vào các tổ chức bất hợp pháp thoát ly khỏi sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước.
Khi các cơ quan chức năng bắt, truy tố, xét xử các đối tượng vi phạm pháp luật là ngay lập tức chúng xuyên tạc “Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền”.
Nực cười thay cho cái “dân chủ” tự xưng khi chúng viện dẫn các quy định của luật pháp quốc tế về quyền con người để vu khống Nhà nước ta xâm phạm quyền công dân. Thực tế là chúng cắn xén, làm sai lệch bản chất vụ việc, lờ đi các quy định về nghĩa vụ kèm theo khi thực hiện các quyền đó. Ví dụ như khi trích dẫn Điều 25 Hiến pháp: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình” chúng cố tình quên vế còn lại là “Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định” trong khi vốn dĩ ai cũng hiểu mọi người dân luôn sống trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật và nghiễm nhiên khi không có pháp luật thì trật tự xã hội sẽ bị đảo loạn như thế nào? Tự do ngôn luận không có nghĩa là tự do xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác, tự do xuyên tạc sự thật, tự do tung tin nói xấu chế độ, nói xấu Đảng, phủ nhận thành quả cách mạng, tự do đưa những hình ảnh dung tục, kích động bạo lực, kích động chiến tranh, chia rẽ nội bộ nhân dân, chia rẽ niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ ta.
Mọi hành vi lợi dụng quyền tự do ngôn luận để chống phá Đảng, Nhà nước, xâm phạm lợi ích của tổ chức, cá nhân đều bị lên án và trừng trị nghiêm minh trước pháp luật. Điều 8 Luật An ninh mạng năm 2018 quy định nghiêm cấm sử dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật về An ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; tổ chức, hoạt động, câu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc,…; thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế – xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan Nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội,…
Mỗi người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác trước các luận điệu kích động tư tưởng chống đối của các thế lực thù địch nhằm mưu đồ thực hiện “diễn biến hòa bình” trên đất nước ta. Đồng thời tích cực đấu tranh phản bác thông tin xấu, độc trên không gian mạng để định hướng dư luận, qua đó góp phần làm tốt vai trò, nghĩa vụ của công dân đối với Tổ quốc
Hits: 22