Từ năm 2017 đến nay, rất nhiều trào lưu học và tin theo bác sĩ “online” rộ lên trên các mạng xã hội, đặc biệt là Facebook. Rất nhiều các fanpage, hội nhóm được lập nên thu hút rất nhiều người tham gia. Nguy hiểm nhất là các hội nhóm kêu gọi “anti vaccine” (Không cho trẻ em đi tiêm phòng), “chữa bệnh nhờ thực dưỡng” (Thực dưỡng chữa khỏi HIV/AIDS và ung thư…), “sữa mẹ chữa bách bệnh” (Nhỏ sữa mẹ vào những vùng viêm nhiễm có thể chữa khỏi hoàn toàn mà không cần kháng sinh)… Tới khoảng tháng 3/2019, sau một thời gian dài bị lên án mạnh mẽ từ những công dân mạng tỉnh táo và các phản biện báo chí khoa học, các trào lưu trên dần lắng xuống, các hội nhóm chuyển thành hội nhóm kín để tránh bị “ném đá”.

Tuy nhiên ngày 10/6/2019, sau khi báo An ninh thủ đô đưa tin về trường hợp bé gái 10 tuổi bị u não, bố mẹ học từ mạng Internet, không cho bé đến bệnh viện điều trị mà ở nhà tự chữa theo chế độ ăn keto (thực chất là chế độ ăn giảm béo). Ta có thể thấy niềm tin vào những cách chăm sóc sức khỏe phản khoa học của nhiều người vẫn chưa hề thay đổi, các hội nhóm phản khoa học, đi ngược lại thời đại vẫn đã và đang truyền bá những cách thức chữa bệnh phi lý thu hút được nhiều người tin theo.

Trào lưu tin theo mạng Internet hơn tin vào thuốc và bác sĩ kéo theo nhiều hệ lụy đối với người bệnh, đặc biệt đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ – những mầm non tương lai của đất nước, hãy cùng xem:

  1. Cuối năm 2018, dịch sởi bùng phát trên diện rộng ở nước ta, theo phân tích của Bộ Y tế, riêng tại Tp. Hồ Chí Minh tới tháng 02/2019 đã ghi nhận 1.208 trường hợp mắc sởi, trong khi đó cùng kỳ năm 2018 chỉ có 02 ca mắc sởi. Số bệnh nhân mắc bệnh sởi cả nước là trẻ sơ sinh và dưới 15 tuổi và hơn 90% số ca mắc đều chưa được tiêm phòng Vaccine ngừa Sởi-Rubella. Hiện nay dịch sởi vẫn đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, dự kiến sẽ còn kéo dài tới hết tháng 6/2019.
  2. Lên Google và search “chữa bệnh nhờ thực dưỡng” sẽ trả về 15.400.000 kết quả/0.41s – Một con số khổng lồ cho thấy lượt nghiên cứu và tìm hiểu về vấn đề này vô cùng lớn. Những kết quả ở ngay top đầu là: “HÃY ĐẾN VỚI THỰC DƯỠNG KHI CHƯA QUÁ MUỘN”, “VÌ SAO THỰC DƯỠNG OHSAWA ĐƯỢC COI LÀ THẦN DƯỢC TRỊ UNG THƯ”, “ĂN GẠO LỨT MUỐI VỪNG CHỮA BÁCH BỆNH”… thậm chí là cả “PHƯƠNG PHÁP THỰC DƯỠNG OHSAWA VỚI HIV VÀ AIDS” (Nội dung tuyên truyền rằng thực dưỡng có thể đẩy lùi căn bệnh thế kỷ !?!)
  3. Trong các hội nhóm kín với tên gọi tương tự nhau về “cuồng sữa mẹ” trong đó nổi nhất phải kể đến “Hội nuôi con sữa mẹ Betibuti” do Phương Hồng Nhất Lê sáng lập. Những bài viết thần thánh hóa sữa mẹ với nội dung như “TRẺ CON VÌ SAO CÓ THỂ MỌC LẠI ĐỐT NGÓN TAY”, “NHỎ SỮA MẸ CHỮA ĐAU MẮT ĐỎ”, “CHỮA LÀNH TIM BẨM SINH NHỜ BÚ MẸ”, “SỮA MẸ TỐT HƠN VACCINE”…Đều là những thông tin vô lý, không có căn cứ khoa học nhưng được hàng trăm lượt like, chia sẻ; hiện nay vẫn còn được truyền miệng trong các mẹ “bỉm sữa”, được nghe, tin và thực hiện theo như một dạng cuồng tín.

Đọc những thông tin tràn lan trên Internet và Facebook chúng ta không khỏi rùng mình trước những trào lưu đi ngược lại hàng nghìn năm phát triển của nhân loại và nếu cứ để những trào lưu đó tiếp tục được lan tỏa, sẽ có bao nhiêu người chết vì thiếu hiểu biết. Hệ quả thật khó lường! Vì vậy, mỗi công dân, đặc biệt là các bà, các chị, các mẹ, hãy chăm sóc người thân của mình bằng những kiến thức, chọn lọc thông tin có căn cứ khoa học để tin và học hỏi, đừng mù quáng tin theo những “bác sĩ online”. Hãy là công dân mạng thông thái!

 

 

 

 

 

Hits: 48

Similar Posts