Ngày nay, có một hiện tượng lạ rằng lúc sinh ra và lớn lên thì mong ước làm nghệ sỹ, nhưng khi trưởng thành nghệ sỹ rồi lại thích làm giang hồ, nhưng cũng có những người tự xưng là hiệp sĩ, giang hồ lại thích học đòi làm nghệ sỹ. Cuộc sống của những con người đó thật khó hiểu.Có một câu chuyện vui mà giới đàn ông hay trêu nhau rằng “nhìn cô sinh viên như cave và cô cave thì nhìn như sinh viên”. Phải chăng, trong con người họ lại tồn tại song song hai giới cực khác nhau như vậy, phải thừa nhận rằng họ là những diễn viên hài kiệt xuất, gặp hoàn cảnh nào thì diễn vai đó, khiến cho khán giả không biết ai là nghệ sỹ hay ai là giang hồ, thật giả lẫn lộn.
Nói đến phái giang hồ phải kể đến người sáng tác ra điệu nhảy “múa quạt” của chú “Bảnh” với kiểu tóc “đuôibò” đến từ Bắc Ninh; hay đàn anh có nghệ mang danh loài “Hoa Hồng” xuất hiện với những lời giảng dạy về cách sống, tình anh em và tự sáng tác, biên soạn 2 cuốn sách “chui”; còn phải kể đến một con “tắc kè hoa” khác có tên là“Phú” nhưng không thấy “Phú”về đạo đức, về tình người mà chỉ thấy “Phú” về “đá” về “thói côn đồ”. Mấy “Giang hồ nghệ” này thường xuất hiện trong các MV ca nhạc, phim ngắn với những hình xăm phủ kín người… Họ tự coi mình là “nghệ sỹ”, muốn có tiếng tăm để đời, để ai ai cũng biết đến mình. Vì thế họ bất chấp vi phạm các quy chuẩn về đạo đức, lối sống, pháp luật để được danh tiếng. Sau khi họ xuất hiện một cách đình đám trên mạng xã hội, giới trẻ ai ai cũng biết múa quạt, ai cũng nói đạo lý sống, suy tôn họ thành các“Idol” trên mạng xã hội. Thậm chí, đi đến đâu họ cũng được giới trẻ chào đón, tung hô, xin chữ ký như thần tượng của xã hội. Sự thật đã chứng minh rằng, họ chỉ giỏi khua mép, nói suông về đạo lý sống, khuyên răn mọi người tránh xa tệ nạn xã hội, sống phải có tâm, có đức… Trên thực tế, sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xác minh thì thấy lối sống của họ trái ngược với những gì nói, cuộc sống của các “Idol” mạng xã hội lại vi phạm một loạt những tội danh như: Sử dụng, tàng trữ trái phép chất ma túy; gây rối trật tự công cộng; cố ý gây thương tích… Và cái kết cho những “Idol nói không chịu làm” là phải chịu tội với pháp luật. Giờ các “Idol” mạng xã hội đó đã quy ẩn và cùng nhau khoác lên bộ đồng phục phù hợp với cách sống là bộ quần áo huyền thoại sọc đen, sọc trắng.
Đối với giới nghệ sỹ, lại có không ít người mang danh là “nghệ sỹ”, sau khi lấy ít “ke” đi đập với ít “đá” lại trở nên bị “ngáo quyền lực”, coi trời bằng vung, coi thúng bằng nia. Từ đó, họ lên mạng xã hội facebook cổ súy những hành động bạo lực, phỉ báng chính quyền hay thách thức, phát ngôn dằn mặt trên trang Facebook cá nhân rằng “đừng có đụng vào nghệ sỹ”hay đăng lên diễn đàn trao giải cho ai đấm vỡ mặt ông bố đã bạo hành trẻ nhỏ…Từ những vụ việc đang gây bức xúc trên mạng xã hội, họ lọ mọ, truy lùng các thông tin có liên quan và hò hét cùng nhau đi tìm công lý cho người bị hại. Tự cho mình quyền tự quyết trừng trị những hành vi vi phạm đạo đức, lối sống, pháp luật để được trở thành “hiệp sĩ” trên mạng xã hội. Họ ngộ nhận, tự cho mình giống như biểu tượng của công lý, như kiểu “nghệ sỹ” ở Việt Nam là một biểu tượng của sức mạnh và quyền lực mà không ai dám động tới; tự huyễn hoặc cho rằng “fan hâm mộ” có thể là lá bùa hộ mệnh và muốn làm gì thì làm. Suy cho cùng, để xảy ra tình trạng trên đều do một số “nghệ sỹ” hiện nay yếu kém về học thức và thiếu hụt trầm trọng về nhận thức. Mà ngẫm lại cũng đúng, nhiều “nghệ sỹ” họ phải chịu áp lực bởi “tiêu chuẩn kép”. Họ luôn luôn tập luyện nâng cao chuyên môn để chạy xô kiếm tiền thỏa thích bay, lắc thì có thời gian đâu mà nâng cao tri thức. Tuy nhiên, đối giới nghệ sỹ chân chính, họ đã sống, cống hiến cho đất nước, cho nhân dân, họ được nhân dân và đất nước ghi nhận những thành quả đó. Đó mới được xứng danh được gọi là nghệ sỹ. Khi nhìn nhận các vấn đề, người nghệ sỹ chân chính đã có những lời khuyên răn, lên án đối với những nghệ sỹ “chân phụ” về những hành vi quá giới hạn, gây ảnh hưởng tới uy tín, danh dự, nhân phẩm vốn có của người nghệ sỹ.
Nhìn nhận lại vấn đề, ta có thể thấy thực trạng giang hồ thì thích làm nghệ sỹ, còn nghệ sỹ lại thích làm giang hồ. Chắc hẳn, nhiều người đã từng suy nghĩ rằng “đạo đức xã hội hiện nay đã xuống cấp ở mức nghiêm trọng” và nguyên nhân là do đâu? Tại kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu quốc hội cũng đã đưa vấn đề đạo đức xã hội ra thảo luận, các ý kiến thảo luận được đồng chí Vũ Đức Đam,Phó Thủ tướng Chính phủ trả lời thỏa đáng. Thực trạng đạo đức xã hội xuống cấp ở mức nghiêm trọng điều đó là hoàn toàn đúng, tuy nhiên chúng ta đánh giá tình trạng thì cũng nhìn hai mặt. Chúng ta không thể phủ nhận những thành tựu gì mà chúng ta đã đạt được, có những khiếm khuyết phải nhìn thẳng vào để khắc phục. Trong con người Việt Nam luôn tồn tại tinh thần yêu nước, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau. Để minh chứng cho điều đó, thời gian qua toàn thể nhân dân nước ta đã cùng nhau vượt qua bởi những làn sóng của dịch Covid-19, dịch vẫn còn chúng ta lại phải chịu thêm thiên tai,lũ lụt; trong hoàn cảnh đó, với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, các cá nhân, tổ chức đã có những hành động ý nghĩa thể hiện tình yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau khi gặp khó khăn, hoạn nạn. Những lúc khó khăn, hoạn nạn mới thấy tình yêu thương lẫn nhau của đồng bào lại sục sôi, nó khiến kẻ thù, những kẻ phá hoại đất nước phải ngao ngán.
Trở lại vấn đề giang hồ và nghệ sỹ, họ “cố tình săn lùng việc nghĩa để làm”, “thay trời hành đạo”, những hoạt động sử dụng mạng xã hội đểgiành giật lấy sự theo dõi của cư dân mạng. Từ đó, tạo ra các “fan hâm mộ” của riêng mình, khẳng định vị thế, tầm ảnh hưởng của mình trên mạng xã hội. Suy cho cùng, mục đích của chúng chỉ làvì muốn hám danh rồi đến hám lợi. Kể ra, “cố tìm việc nghĩa để làm” cũng tốt, nhưng nó phải thực sự là việc nghĩa, tức là nó phải mang lại giá trị tích cực cho xã hội, không màng tới danh lợi, tạo hiệu ứng lan tỏa và được nhân rộng. Chỉ đáng tiếc rằng những kẻ “cố tình tìm việc nghĩa để làm” lại là những kẻ có tư duy, học thức ngắn hạn, trong mắt họ những việc đó là việc nghĩa, nhưng thực chất những hành động đó lại là một trò cười trong con mắt của những người có trí tuệ. Đối với bất cứ ai “danh” là một thứ gì đó rất quan trọng, thiêng liêng và cao quý, được mọi người đánh giá, ghi nhận. Tuy nhiên, danh có 02 loại “thực danh” và “hư danh”, những người chỉ sử dụng một nửa não thì chỉ có xếp vào loại “hư danh”, tức là được nhiều người biết tới mà chả có tài cán, tích sự gì hoặc tuy có vị thế, địa vị nhưng chẳng phát huy được vai trò của mình trong vị trí đó. Bởi vậy, dừng vì danh vì lợi ích cá nhân mà đánh mất chữ “người”.
Hits: 20