Chủ tịch Quốc hội cho rằng tăng lương luôn là vấn đề khó nhận được sự đồng thuận, vì vậy cần có chính sách tiền lương hài hòa lợi ích các bên.
Sáng 6/1, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng đoàn đại biểu TP Hải Phòng tiếp xúc cử tri chuyên đề với gần 700 công nhân, viên chức, người lao động thành phố.
Cử tri phản ánh mức thu nhập trung bình của người lao động hiện nay là 7 triệu đồng một tháng, trong khi phải chi rất nhiều khoản cho sinh hoạt gia đình như tiền ăn, học cho con, xăng xe, điện thoại, điện nước, khám chữa bệnh… Việc xác định mức sống tối thiểu theo vùng làm căn cứ xác định tiền lương tối thiểu hiện nay rất thấp, chưa phù hợp thực tiễn cuộc sống.
Do vậy, cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo bộ ngành làm rõ khái niệm mức sống tối thiểu của người lao động theo vùng thực tế hiện nay để có cơ sở quy định mức lương tối thiểu hợp lý, phù hợp sự phát triển của xã hội.
Ngoài ra, nhiều cử tri cũng đề nghị nghiên cứu giảm tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non thấp hơn tối đa 5 năm so với quy định của Bộ luật Lao động.
Về chính sách tiền lương, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng tăng lương luôn là vấn đề khó nhận được đồng thuận giữa các bên liên quan vì lương là thu nhập của người lao động nhưng cũng là chi phí của doanh nghiệp. Vì vậy, Đảng, Nhà nước có chính sách xây dựng tiền lương hài hòa lợi ích của các bên để bảo đảm sự phát triển ổn định, bền vững.
Nhà nước xây dựng khung, sàn để đảm bảo doanh nghiệp không trả lương người lao động thấp hơn mức sàn này. “Tiền lương thực tế do doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận hầu hết cao hơn so với mức lương tối thiểu”, ông Huệ nói, cho biết thêm cải cách tiền lương từ ngày 1/7, cả khu vực công và tư cùng được tăng lương.
Thời gian tới, nhà nước chỉ đóng vai trò nhạc trưởng điều phối, còn việc trả lương thưởng cụ thể cho người lao động thuộc quyền của doanh nghiệp. Chính phủ đã chuẩn bị được khoảng 560.000 tỷ đồng để cải cách chính sách tiền lương khu vực công từ nay đến hết năm 2026 theo nguyên tắc mức lương mới không thấp hơn mức lương hiện hưởng.
Khảo sát đời sống lao động nửa đầu năm 2023 của Công đoàn Việt Nam cho thấy thu nhập trung bình của công nhân đạt 7,88 triệu đồng, trong khi chi tiêu mỗi tháng của gia đình họ là 11,7 triệu. Thu nhập chỉ đáp ứng khoảng 70% chi tiêu của người được khảo sát. Mức chi tiêu của người lao động cũng đã tăng 19% so với năm 2022, chủ yếu do giá cả, tiền điện nước tăng cao.
Hồi tháng 12/2023, Hội đồng Tiền lương quốc gia họp và thống nhất khuyến nghị với Chính phủ phương án lương tối thiểu áp dụng từ ngày 01/7/2024, trong đó mức lương tối thiểu được đề nghị điều chỉnh tăng từ 200.000 đến 280.000 đồng (tỷ lệ bình quân 6%).
Trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động để gửi lấy ý kiến các đơn vị liên quan trước khi trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Liên quan chính sách tuổi nghỉ hưu, Chủ tịch Quốc hội cho biết với lao động nam, mỗi năm tuổi nghỉ hưu được điều chỉnh tăng thêm 3 tháng, lao động nữ tăng 4 tháng từ năm 2021. Việt Nam chọn cách cho tăng tuổi nghỉ hưu “chạy dần dần” cho đến khi đạt mức 62 tuổi đối với nam vào năm 2028, 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035.
Dẫn ví dụ nhiều nước bất ổn, “họp bàn cả đêm” mà vẫn không thông qua được vấn đề tuổi nghỉ hưu, ông Huệ cho rằng quy định tuổi hưu của Việt Nam nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao chính là do áp dụng cách tăng dần dần. “Cách thức riêng này của Việt Nam chưa quốc gia nào làm được”, người đứng đầu Quốc hội nói, cho biết thêm lãnh đạo nhiều nước muốn học cách làm này.
Với giáo viên mầm non, ông Huệ đánh giá khi tuổi càng cao thì càng khó thích nghi với nghề nên cần nghiên cứu cụ thể, hướng dẫn kỹ để đưa vào danh mục nghề độc hại, đặc thù để nghỉ hưu sớm.
Tại cuộc tiếp xúc, một số cử tri cũng đề nghị tăng ngày nghỉ dịp lễ Tết, trong đó tăng thêm hai ngày nghỉ dịp Quốc khánh từ ngày 2/9 đến 5/9 để người lao động cả nước có cơ hội được đưa con đến trường ngày khai giảng.
Trả lời kiến nghị, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng thời gian nghỉ lễ tết được nghiên cứu, đề xuất căn cứ nhiều yếu tố như tôn giáo, phong tục, tập quán, ý nghĩa của ngày nghỉ và tác động kinh tế – xã hội.
Việc bổ sung hai ngày nghỉ dịp Quốc khánh ngoài ý nghĩa động viên người lao động cũng sẽ tạo áp lực cho người sử dụng lao động. Ngoài ra, khi so sánh về thời gian nghỉ lễ Tết giữa các quốc gia cũng cần căn cứ tương quan tổng quỹ thời gian làm việc trong năm theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, tổng quỹ thời gian làm việc của Việt Nam còn thấp hơn nhiều các nước trong khu vực và châu Á. “Vì vậy, các bộ ngành liên quan sẽ đánh giá tác động kinh tế – xã hội và nghiên cứu, tham mưu trong quá trình sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động”, ông Dung nói.
Theo: vnexpress.net – Lê Tân
Hits: 12