Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý Bộ Kế hoạch và Đầu tư thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, tăng cường công khai, minh bạch, chống cơ chế xin – cho. “Vừa qua, kỷ luật, khởi tố đều nảy sinh từ cơ chế xin – cho”, Thủ tướng chỉ rõ.

Sáng 11/1, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Thủ tướng Phạm Minh Chính tới dự và phát biểu chỉ đạo.

Năm 2024 bứt phá nguồn lực

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận sự nỗ lực, những kết quả mà ngành KH&ĐT và Thống kê đạt được, góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế – xã hội năm 2023. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Đầu tư phát triển đạt kết quả tích cực; đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông được đẩy mạnh.

Thủ tướng: 'Vừa qua kỷ luật, khởi tố đều nảy sinh từ cơ chế xin - cho' ảnh 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận những nỗ lực của ngành KH&ĐT trong năm 2023.

Tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu đề ra nhưng Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam vẫn là điểm sáng của kinh tế toàn cầu. Trong đó, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ghi nhận kỷ lục vốn giải ngân hơn 32 tỷ USD, tổng vốn đăng ký hơn 36 tỷ USD. Thủ tướng nhấn mạnh, đây là kết quả tích cực trong bối cảnh vốn đầu tư toàn cầu suy giảm.

“32 tỷ USD vốn FDI thực hiện, chuyển vào nền kinh tế giúp thúc đẩy tăng trưởng, giữ được tỷ giá, lạm phát, thúc đẩy giảm lãi suất ngân hàng”, Thủ tướng chỉ rõ.

Về phát triển hạ tầng, người đứng đầu Chính Phủ ví cả nước như một công trình. Ngày đầu tiên của năm mới 2024, tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng) chính thức khởi công. Hệ thống đường cao tốc trục Bắc – Nam dần hoàn thiện, tổng chiều dài cao tốc cả nước đã có khoảng 2.000 km. Trục Đông – Tây cũng đang xây dựng cao tốc, làm sân bay lớn nhất từ trước đến nay.

Thủ tướng nhận xét, công tác quy hoạch đã có sự thay đổi rõ rệt trong tư duy và hành động, đáp ứng tiến độ, chất lượng. 109/111 quy hoạch đã hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt. Giải ngân vốn đầu tư công được triển khai quyết liệt gắn với tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát.

Ngành KH&ĐT cũng đóng góp tích cực vào cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài. Đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo có bước phát triển mạnh mẽ, định hình hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

“Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) khánh thành tháng 10/2023 đã thu hút 41 quỹ đầu tư cam kết đầu tư 1,5 tỷ USD trong 3 năm 2023-2025”, Thủ tướng nói và thể hiện sự ấn tượng với không khí đổi mới sáng tạo, tự tin, bản lĩnh và khát vọng vươn lên cùng đất nước của ngành KH&ĐT, đã tạo động lực, truyền cảm hứng với niềm tin năm 2024 sẽ đạt kết quả cao hơn năm 2023.

Từ bỏ “lợi ích riêng”

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị Bộ KH&ĐT tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nghiên cứu, tham mưu triển khai, thúc đẩy các mô hình, lĩnh vực kinh tế mới, như bán dẫn, hydrogen, năng lượng tái tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ…

Thủ tướng: 'Vừa qua kỷ luật, khởi tố đều nảy sinh từ cơ chế xin - cho' ảnh 2
Bộ KH&ĐT cần phát huy cao nhất vai trò là cơ quan tổng tham mưu.

Thủ tướng cho rằng, Bộ KH&ĐT còn có nhiệm vụ đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, chống cơ chế “xin – cho” đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát. Công tác hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài và các nguồn lực từ bên ngoài cũng cần được chú trọng, trong bối cảnh khó khăn…

Với vai trò cơ quan tham mưu tổng hợp về phát triển kinh tế – xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định sẽ tiếp tục đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm để bảo đảm thực hiện tốt chức năng tham mưu chiến lược, triển khai nhiều cải cách, đột phá. Năm 2023, KH&ĐT là bộ có số lượng đề án được giao nhiều nhất (chiếm trên 16%), đến nay, đã hoàn thành 100%.

Bộ đã tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội cắt giảm các chương trình mục tiêu, đến giai đoạn 2021-2025 chỉ còn 3 chương trình mục tiêu quốc gia; tham mưu cắt giảm khoảng 12.000 dự án sử dụng ngân sách trung ương trong giai đoạn 2016-2020.

Trong quy hoạch, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT khẳng định đã kiên trì trình Quốc hội qua 3 Kỳ họp để ban hành Luật Quy hoạch; cắt giảm hơn 20.000 quy hoạch trước đây xuống còn 111 quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và 39 quy hoạch kỹ thuật, chuyên ngành; từ 50 quy hoạch ngành cấp tỉnh tích hợp trong 1 quy hoạch tỉnh duy nhất.

Nhắc đến việc đề xuất trong việc cắt giảm tình trạng manh mún, lợi ích cục bộ trong đầu tư công, quy hoạch và giấy phép kinh doanh; Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng đây là việc từ bỏ “lợi ích riêng vì cái chung”, được nhiều người nói là “tự lấy đá ghè chân mình”.

Theo: tienphong.vn

Hits: 13

Similar Posts