Việt Nam là một câu chuyện phát triển thành công. Những cải cách kinh tế từ năm 1986 kết hợp với những xu hướng toàn cầu thuận lợi đã nhanh chóng giúp Việt Nam phát triển từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới, chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp trở thành quốc gia thu nhập trung bình, cơ cấu kinh tế dần chuyển dịch sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và du lịch. Từ năm 2002 đến 2020, GDP đầu người tăng 3,6 lần, đạt gần 3.700 USD. Các chính sách về giáo dục, y tế, an sinh xã hội ngày càng được đẩy mạnh; đời sống văn hóa, vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

Trên cơ sở các Chủ trương, chính sách phù hợp trong cải cách, phát triển kinh tế, nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu, rộng đối với thế giới. Tính đến hết 30/6/2022, Việt Nam đã ký kết 15 FTA khu vực và song phương, và đang đàm phán 2 FTA với các đối tác khác. Các FTA mà Việt Nam tham gia có độ phủ rộng hầu hết các châu lục với gần 60 nền kinh tế có tổng GDP chiếm gần 90% GDP thế giới, trong đó có 15 nước thành viên G20 và 9/10 đối tác kinh tế – thương mại lớn nhất của Việt Nam thuộc 3 trung tâm kinh tế lớn nhất thế giới là Bắc Mỹ, Tây Âu và Đông Á, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất, nhập khẩu. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam 11 tháng năm 2022 đạt trên 673,82 tỷ USD. Báo cáo của IMF cũng đã nhấn mạnh tăng trưởng GDP thực của Việt Nam năm 2022 trên 7%, cao nhất trong nhóm 05 nền kinh tế mới nổi khu vực Đông Nam Á (Asean 5) gồm Việt Nam, Indonesia, Philippines, Malaysia và Thái Lan. Tờ báo Agefi của Thụy Sỹ nhận định Việt Nam đang trở thành con hổ mới của Châu á và là một trong những nền kinh tế đang trỗi dậy mạnh mẽ, có vai trò quan trọng trong khu vực và Thế giới.

Với lợi thế nguồn nhân lực trẻ, thông minh, cần cù, chịu khó; nguồn nhân lực ngày càng được đào tạo nâng cao, hạ tầng ngày càng được cải thiện thuận lợi, phù hợp; các chính sách hấp dẫn là những yếu tố góp phần thu hút các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng quan tâm hơn đến Việt Nam. Luật Đầu tư năm 2020 có hiệu lực, có thể coi là một bước đột phá trong vấn đề điều chỉnh hoạt động đầu tư tại Việt Nam, cho tới nay đã phản ánh kết quả tích cực, các quy định dần cởi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết trong quản lý hoạt động đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài (FDI).

Theo tài liệu Tổng cục Thống kê công bố cho thấy tổng vốn FDI vào Việt Nam tính đến ngày 20/11/2022 đạt 25,1 tỷ USD, bằng 95% so với cùng kỳ năm 2021, tăng 0,4% so với 10 tháng và tăng 10,3% so với 9 tháng. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 11 tháng ước tính đạt 19,7 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước. Xét về đối tác đầu tư, theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư từ đầu năm 2022 đã có 107 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam trong 11 tháng. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 5,78 tỷ USD, chiếm 23% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 24% so với cùng kỳ 2021; Nhật Bản đứng thứ hai với trên hơn 4,6 tỷ USD, chiếm 18,3% tổng vốn đầu tư, tăng 24,4% so với cùng kỳ. Hàn Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký trên hơn 4,1 tỷ USD, chiếm 16,4% tổng vốn đầu tư.

Những thành tựu của gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới đã tiếp tục khẳng định đường lối đổi mới đúng đắn, sáng tạo của Đảng và nhân dân ta, khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Tuy nhiên, nền kinh tế Thế giới hiện nay đang suy thoái, tình trạng lạm phát cao tiếp tục kéo dài ở nhiều quốc gia; cạnh tranh chiến lược, địa chính trị giữa các nước lớn, xung đột Nga-Ukraine và việc điều chỉnh chính sách của các nước lớn tiềm ẩn rủi ro đến ổn định thị trường tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng, an ninh lương thực của Việt Nam, các vấn đề địa chính trị khu vực, toàn cầu; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu ngày càng tác động xấu đến tỉnh hình phát triển kinh tế của đất nước. Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới (WB) phát hành vào tháng 9/2022, hơn 90% các nền kinh tế phát triển, 80% các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi đều bị hạ dự báo tăng trưởng cho năm 2022 và 2023; Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ giảm từ 3,9% xuống còn 1,6%, khu vực đồng Euro giảm từ 3,3% xuống 2,5%; Nhật Bản giảm từ 2,7% xuống 1,4%; Trung Quốc giảm từ 5,0% xuống còn 3,3%. Nhờ có nền tảng vững chắc, nền kinh tế Việt Nam đã thể hiện sức chống chịu đáng kể trong giai đoạn đại dịch Covid-19 cũng như những tác động của sự suy thoái kinh tế toàn cầu, Việt Nam vẫn tăng trưởng GDP 2,6% vào năm 2021, dự kiến năm 2022 ​​sẽ phục hồi lên 8%. Tuy vậy, Việt Nam cũng khó thể tránh khỏi những khó khăn chung của Thế giới như lạm phát, thị trường thu hẹp do ảnh hưởng của xung đột vũ trang giữa Nga-Ucraina, chi phí nguyên liệu đầu vào, giá dầu thế giới liên tục tăng… do đó, Việt Nam cần khai thác tối đa nội lực, huy động và thu hút làn sóng đầu tư, tận dụng mọi cơ hội tham gia sâu, rộng vào chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu để tiếp tục khẳng định vị thế và uy tín của đất nước trên tầm cao mới.

Hits: 18

Similar Posts