Trong giai đoạn hiện nay, cách mạng khoa học công nghệ tiếp tục phát triển mạnh mẽ đẩy nhanh xu thế toàn cầu hóa kinh tế, tạo ra những mặt tích cực và mặt tiêu cực, những cơ hội và thách thức trong quá trình hội nhập của nước ta và các nước.

Trong khu vực Đông Nam Á, mặc dù hội nhận, hợp tác, hòa bình, ổn định đang là xu hướng chung chiếm ưu thế nhưng vẫn đang tồn tại những nhân tố gây mất ổn định, có tác động không ít đến sự phát triển năng động, bền vững của các nước ASEAN. Vấn đề tranh chấp chủ quyền biển, đảo trên Biển Đông vẫn chưa được giải quyết. Có sự can thiệp của các nước lớn, chủ yếu là sự tranh giành ảnh hưởng, dàn xếp giữa Trung Quốc và Mỹ gia tăng, tác động tới chính sách của một số nước ASEAN, làm phức tạp thêm tình hình và sự gắn kết giữa các nước trong khu vực vốn đã lỏng lẻo thêm lỏng lẻo.

Trong bối cảnh mới của thế giới và khu vực như vậy, giải quyết đúng đắn mối quan hệ song phương và đa phương giữa nước ta với các nước là vấn đề có ý nghĩa cực kỳ lớn, quyết định đến vận mệnh của quốc gia, dân tộc, hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển hay mất ổn định chiến tranh, đói nghèo, tụt hậu. Hội nghị Trung ương 8 của Đảng (khóa IX) đã xác định: “Kiên định mục tiêu dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; lấy việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế – xã hội là lợi ích cao nhất của đất nước”.

Quán triệt tinh thần đó trong bảo vệ biển đảo, chúng ta phải kiên trì mục tiêu giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia, dân tộc trên biển gắn liền với chủ nghĩa xã hội; đồng thời phải lấy giữ vững môi trường hòa bình, ổn định lâu dài là lợi ích cao nhất.

Giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia, dân tộc trên biển gắn liền với chủ nghĩa xã hội là trách nhiệm, nghĩa vụ thiêng liêng của mọi công dân việt Nam. Trong Hiến pháp năm 1980 và 1992, đã quy định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một quốc gia độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, vùng trời, vùng biển và các hải đảo”. Điều 13 còn nói rõ hơn: “Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là thiêng liêng và bất khả xâm phạm”.

Bất khả xâm phạm và toàn vẹn lãnh thổ là một trong những nguyên tắc cơ bản được luật pháp quốc tế hiện đại công nhận. Nó bắt nguồn từ nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia, tôn trọng quyền tối cao của quốc gia đối với lãnh thổ.

Bất khả xâm phạm lãnh thổ có nghĩa là không được xâm phạm lãnh thổ của một quốc gia bằng vũ lực hay các áp lực khác. Còn toàn vẹn lãnh thổ có nghĩa là nghiêm cấm chia cắt lãnh thổ hoặc xâm chiếm một phần lãnh thổ của bất kỳ quốc gia nào.

Điều 2, khoản 4 của Hiến chương Liên hợp quốc đã ghi rõ “Tất cả các thành viên Liên hợp quốc cần phải tự kiềm chế, không được đe dọa hoặc sử dụng vũ lực để chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc nền độc lập chính trị của bất kỳ nước nào hoặc bằng bất cứ cách nào khác trái với các mục đích của Liên hợp quốc”. Sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo từ năm 1986 đến nay đã đạt được nhiều thành tựu rất to lớn. Giờ đây và trong những năm tới, nhân dân ta quyết tâm đẩy mạnh công cuộc đổi mới để xây dựng và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, làm cho đất nước giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đối với Việt Nam, Tổ quốc là Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Tổ quốc phải gắn với Đảng Cộng Sản và chế độ xã hội chủ nghĩa, gắn với sự nghiệp đổi mới do Đảng lãnh đạo.

Trải qua những chặng đường đầy khó khăn, gian khổ của hai cuộc kháng chiến liên tiếp, hết chống thực dân Pháp lại chống đế quốc Mỹ để giải phóng dân tộc, giành độc lập, thống nhất đất nước, nhân dân ta đã phải hun đúc cho mình tình yêu hòa bình thiết tha, niềm mong muốn sự ổn định lâu dài, bền vững để xây dựng và phát triển đất nước.

Trong những năm qua, chúng ta đã kiên trì phấn đấu theo đường lối đối ngoại của Đảng là “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ với quốc tế. Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác đáng tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”.

Hits: 26

Similar Posts