Sử dụng mạng xã hội hay không là quyền của mỗi cá nhân. Nhưng sử dụng mạng xã hội mà gây nguy hại cho đất nước, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân là hành vi vi phạm pháp luật, phải kiên quyết đấu tranh, xử lý theo quy định của pháp luật…
Sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, internet, mạng xã hội (MXH) đem lại rất nhiều lợi ích, tiện dụng, nhưng cũng mang đến không ít nguy hại, nhất là tình trạng đăng tải và chia sẻ thông tin sai sự thật trên MXH. Đặc biệt, với một số cán bộ, đảng viên (CB, ĐV), người có uy tín đưa thông tin sai trái lên MXH thì càng nguy hiểm, bởi “thương hiệu” CB, ĐV khiến mọi người thêm tin vào những tin giả ấy, gây hậu quả khôn lường: Đánh lừa dư luận, khiến quần chúng nhân dân hoang mang; tạo
ra nguy cơ và nguyên cớ nảy sinh “điểm nóng” về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…; thậm chí tạo cơ hội để kẻ xấu lợi dụng chống phá Đảng, Nhà nước và sự nghiệp cách mạng.
Việc một số CB, ĐV hay người dân đăng tải, chia sẻ những thông tin vi phạm pháp luật, đạo đức lên MXH đã không thể chấp nhận. Với CB, ĐV vừa có hiểu biết, vừa là đối tượng có trách nhiệm nêu gương trước quần chúng mà vẫn đăng tải, chia sẻ những thông tin sai trái thì càng không thể chấp nhận.
Những thông tin sai trái rõ ràng là rất nguy hại, do đó, mỗi cá nhân người sử dụng mạng xã hội phải cân nhắc thật kỹ trước khi đăng tải, chia sẻ các thông tin trên MXH. Trước khi đưa ra ý kiến về vấn đề, sự kiện, hiện tượng nào đó, cần có bản lĩnh, trí tuệ, thiện chí; tỉnh táo xem xét, cân nhắc một cách khách quan, toàn diện; tuyệt đối không bị cuốn theo cảm xúc của số đông, tránh “té nước theo mưa”, phát ngôn cảm tính, phán xét tùy tiện, không khơi mào cho những ý kiến tiêu cực, trái chiều…
Trước hết phải khẳng định, Luật An ninh mạng không cấm người tham gia mạng xã hội lên tiếng, bày tỏ quan điểm cá nhân, có điều những người sử dụng mạng xã hội phải luôn tuân thủ theo Hiến pháp và pháp luật. Luật An ninh mạng chỉ điều chỉnh, xử lý các thông tin vi phạm pháp luật đã được quy định cụ thể trong Bộ luật Hình sự và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Điều 15 Luật An ninh mạng đã quy định cụ thể 5 nhóm thông tin trên không gian mạng bị coi là vi phạm pháp luật theo quy định của Bộ luật Hình sự (sửa đổi 2017). Nhóm 1: Thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nhóm 2: Thông tin trên không gian mạng có nội dung kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng. Nhóm 3: Thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống. Nhóm 4: Thông tin trên không gian mạng có nội dung xâm phạm trật tự quản lý kinh tế. Nhóm 5: Thông tin trên không gian mạng có nội dung sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế – xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
Đây đều là những thông tin có thể gây nguy hại tới an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, được quy định trong Bộ luật Hình sự, cần phải xử lý trên không gian mạng. Do đó, người dân hoàn toàn có thể bày tỏ tự do chính kiến, quan điểm của cá nhân nhưng không được lợi dụng điều đó để xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước, kích động lôi kéo gây rối, bôi nhọ xúc phạm danh dự người khác…
Đạo đức xã hội luôn lên án những lời nói xấu, nói dối, nói sai sự thật. Bộ luật Hình sự điều chỉnh các hành vi xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân theo Tội làm nhục, Tội vu khống… Bộ luật Dân sự quy định về mức bồi thường thiệt hại đối với các hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của pháp nhân hoặc chủ thể khác theo mức độ thiệt hại. Tùy theo mức độ vi phạm và chứng cứ thu thập được theo quy định của pháp luật, cơ quan chức năng sẽ đề xuất xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự hoặc Bộ luật Dân sự.
Hits: 32