Quay trở lại thời điểm năm 2002, khi triển khai Dự án thủy điện Tuyên Quang, công tác di dân tái định cư được Thủ tướng Chính phủ tách riêng thành một dự án độc lập và giao cho UBND tỉnh Tuyên Quang làm chủ đầu tư. Với khối lượng công việc khổng lồ, số lượng dân phải di chuyển, bố trí định cư lớn, là tỉnh còn nghèo, cơ sở vật chất hạn chế, giao thông đi lại khó khăn, nhưng với sự nỗ lực của toàn thể các cấp, các ngành, tổ chức đoàn thể và sự đồng tâm nhất trí cao của người dân, đến năm 2008 tỉnh Tuyên Quang đã hoàn thành di chuyển, bố trí sắp xếp tái định cư cho 4.116 hộ với trên 20.000 nhân khẩu vùng lòng hồ và mặt bằng xây dựng công trình thủy điện Tuyên Quang tại 125 điểm, 42 dự án tái định cư tại 06 huyện, thành phố. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo Ban di dân tái định cư thủy điện Tuyên Quang phối hợp với UBND các huyện đầu tư trưng dụng đất ở, đất sản xuất để cấp cho các hộ tái định cư; đầu tư xây dựng các công trình công cộng, công trình phúc lợi xã hội theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của Chính phủ tại Quyết định số 08/2.007/QĐ-TTg ngày 12/01/2007; Quyết định số 1766/QĐ- TTg, ngày 10/10/2011 về điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư thủy điện Tuyên Quang.
Hầu hết các hộ thuộc diện di dân tái định cư đã được giải quyết đầy đủ các chế độ, chính sách đền bù, hỗ trợ ổn định cuộc sống theo đúng quy định; cá biệt còn một số hộ việc giải quyết còn thiếu, chưa đủ như chủ hộ độc thân chấp hành án phạt tù xong sau thời hạn kiểm kê, hộ phát sinh nhân khẩu sau thời điểm kiểm kê nhưng trước thời gian di chuyển, thiếu đất ở, đất sản xuất… Những tồn tại trên, UBND tỉnh Tuyên Quang đã và đang nỗ lực đề xuất Chính phủ bổ sung ngân sách, đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh tích cực giải quyết.
Lợi dụng số ít kiến nghị về giải quyết chế độ chính sách liên quan đến lĩnh vực di dân tái định cư thủy điện Tuyên Quang chưa được giải quyết dứt điểm trên, trong năm 2018 – 2019, một số đối tượng cơ hội đã lợi dụng lòng tốt, cũng như những hạn chế về hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân tái định cư để tuyên truyền, vận động người dân viết, ký đơn tập thể gửi các cơ quan chức năng ở cả Trung ương và địa phương hoặc tập trung đông người tại các trụ sở tiếp công dân, trụ sở các cơ quan Đảng, chính quyền tỉnh để yêu cầu giải quyết các kiến nghị, thắc mắc, gây mất ANTT, cũng như ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, thu nhập của người dân. Cá biệt, trong một số kỳ tiếp dân, số lượng người dân tái định cư đến trụ sở tiếp công dân tỉnh yêu cầu được lãnh đạo tỉnh trả lời kiến nghị, thắc mắc lên đến 200 đến 300 người. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hầu hết trong số này là người hiếu kỳ, hoặc bị xúi giục, thậm chí nhiều người còn bị lừa bởi giọng điệu xuyên tạc như: “Nếu không tham gia các hoạt động trên thì khi tỉnh được nhà nước cấp ngân sách sẽ không được chia tiền” hoặc có trường hợp người dân tái định cư do tâm lý sợ không tham gia thì sẽ bị số đối tượng chủ chốt nói xấu, cô lập tại nơi đang sinh sống. Riêng việc một số đối tượng không phải là đồng bào di dân tái định cư, nhưng đã lợi dụng hoạt động kiến nghị của đồng bào di dân để kích động, tuyên truyền các tư tưởng chống đối, bôi nhọ, nói xấu các cơ quan chức năng và lãnh đạo của tỉnh trên mạng xã hội đều hướng tới nhằm vụ lợi, phục vụ cho mục đích cá nhân. Do vậy, mong rằng bà con hãy tỉnh táo, không để bị kẻ xấu lợi dụng.
Việc đưa ra những kiến nghị, thắc mắc là quyền của mỗi người dân, được nêu trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và quy định của pháp luật, nhưng việc một số đối tượng lợi dụng để kích động các hành vi gây mất an ninh, trật tự là hành vi trái pháp luật và sẽ sớm bị pháp luật trừng trị.
Hits: 41