Ngày 22/12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 57-
NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo
và chuyển đổi số quốc gia. Trong đó đã đặt mục tiêu trong năm 2025, 100% TTHC
liên quan đến doanh nghiệp được thực hiện trực tuyến, thông suốt, hiệu quả và không
bị giới hạn bởi địa giới hành chính. Để hiện thực hóa mục tiêu này, trước đó, Chính
phủ đã triển khai nhiều đề án và chỉ đạo quan trọng, trong đó nổi bật là Đề án 06 và
mới nhất là Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 09/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ về
một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi
trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc chuyển
đổi số thủ tục hành chính (TTHC) không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là nhiệm vụ
chiến lược của đất nước ta, song hành cùng với việc sắp xếp đơn vị hành chính, tinh
gọn tổ chức bộ máy.
Thực hiện cấp thẻ căn cước cho người dân
Ngày 6/1/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đề án này đặt nền móng cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến. Trong 03 năm qua, với sự quyết tâm chính trị từ Chính phủ, các bộ, ban ngành, đặc biệt là Bộ Công an đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, được Thủ tướng Chính phủ đánh giá là “điểm sáng” về chuyển đổi số, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số, xã hội số, công dân số tại Việt Nam. Từ khi triển khai thực hiện Đề án, các địa phương cũng đã chung tay phát triển và xây dựng hệ thống dữ liệu hoàn chỉnh, chính xác và kịp thời đã góp phần hiện đại hóa nền hành chính, nâng cao hiệu quả cải cách TTHC, mang lại nhiều tiện ích cho người dân và doanh nghiệp.
Để thực hiện hiệu quả những mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 57 trong đó có yêu cầu cắt giảm 100% TTHC, vai trò của Chính phủ là đặc biệt quan trọng. Sau phiên họp thứ Hai của Ban chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ngày 4/3 thì đến ngày 9/3/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Công điện số 22/CĐ-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về cắt giảm TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Công điện yêu cầu giảm ít nhất 30% thời gian xử lý TTHC, tiếp tục gia hạn, giảm thuế để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
Cải cách hành chính không chỉ dành riêng cho doanh nghiệp, mà còn tác động trực tiếp đến từng người dân. Một nền hành chính thông minh giúp người dân tiết kiệm thời gian, giảm bớt căng thẳng khi phải tiếp xúc với bộ máy quan liêu. Muốn cải cách hành chính một cách bền vững, không thể không nhắc đến chuyển đổi số. Khi công nghệ được ứng dụng sâu rộng, quy trình xử lý hồ sơ sẽ nhanh hơn, dữ liệu được đồng bộ, hạn chế sai sót và tiết kiệm nguồn lực. Một nền hành chính không giấy tờ, không tiếp xúc trực tiếp, phi địa giới hành chính sẽ vừa giúp giảm thiểu tiêu cực, vừa tạo ra trải nghiệm thuận lợi hơn cho mọi công dân.
Mọi bước tiến trong lịch sử đều bắt đầu từ sự dũng cảm vượt qua những “rào cản”, “khó khăn”. Nhưng khi cả hệ thống chính trị cùng quyết tâm, quyết liệt thì những trở ngại này sẽ sớm được vượt qua trên con đường hướng đến một nền hành chính hiện đại. Những TTHC rườm rà được cắt giảm, dòng chảy của nền kinh tế sẽ trở nên mượt mà hơn, cơ hội sẽ mở ra không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho từng người dân. Một bộ máy hành chính vận hành trơn tru không phải là bộ máy chứa đầy quy trình phức tạp, mà là bộ máy biết tối giản TTHC để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Khi TTHC được đơn giản hóa, người dân không còn phải chạy đôn chạy đáo để xin giấy tờ, doanh nghiệp không còn mất hàng tháng trời để chờ đợi một con dấu.
Chuyển đổi số trong TTHC là hành trình đầy thách thức nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam trong việc nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Với sự quyết tâm của Chính phủ, sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương và sự đồng lòng của toàn xã hội, mục tiêu 100% TTHC liên quan đến doanh nghiệp được thực hiện trực tuyến vào năm 2025 hoàn toàn có thể đạt được, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Hits: 10