“Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập”. Những lập luận khẳng định đanh thép trong bản “Tuyên ngôn độc lập”, được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trước quốc dân đồng bào và công bố với thế giới vào ngày 2/9/1945, đã nêu bật một sự thật và cũng là một chân lý: Việt Nam là một đất nước có lịch sử lâu dài, với đầy đủ chứng cứ bảo vệ tư cách của một quốc gia độc lập. Nhân dân của một Nhà nước độc lập thì tất yếu phải có “quyền được sống, quyền tự do, và quyền mưu cầu hạnh phúc”. 

Từ giữa thế kỷ 19, trước sự hủ bại của các thế lực phong kiến, thực dân Pháp đã dễ dàng áp đặt ách đô hộ trên lãnh thổ Việt Nam. Sau gần một thế kỷ sống dưới ách cai trị của chế độ thực dân, nửa phong kiến, đất nước ta đã trở nên “xác xơ, tiêu điều” cả về kinh tế, chính trị, và xã hội.

Vì thế, các biểu hiện áp bức, bóc lột đầy tính chất phản động của chế độ cai trị đương thời được nêu ra trong “Tuyên ngôn độc lập” không chỉ là lời tố cáo, mà còn là những bằng chứng đầy sức thuyết phục cho quyết tâm tập thể nhằm lật đổ chế độ thực dân, nửa phong kiến, giành lại các quyền bất khả xâm phạm cho nhân dân và dân tộc, thành lập chính quyền nhân dân để cùng nhau bảo vệ nền tự do, độc lập của đất nước.

Tuyên ngôn độc lập và khát vọng về chính quyền nhân dân - 1
Lễ Thượng cờ chào mừng Quốc khánh 2/9 tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội (Ảnh: Mạnh Quân)

Để khẳng định khát vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân Việt Nam khi đó, “Tuyên ngôn độc lập” đã nêu rõ quan điểm: “thoát ly hẳn quan hệ với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam”.

“Tự Do, Độc Lập” là những quyền bất khả xâm phạm của một quốc gia, một dân tộc cho nên “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Và thực tế lịch sử diễn ra sau đó đã khẳng định thêm cho ý chí của một dân tộc đã phải vượt qua rất nhiều thách thức sinh tử để xây dựng và bảo vệ đất nước: người dân Việt Nam sẵn sàng hy sinh tất cả đề bảo vệ nền độc lập và tự do.

Những thông điệp từ bản “Tuyên ngôn độc lập” cũng chỉ ra rằng: giành lại nền độc lập, tự do cho dân tộc và đất nước mới chỉ là một nửa nhiệm vụ của sự nghiệp cách mạng; nửa nhiệm vụ thứ hai là phải đem lại cuộc sống tự do, ấm no, và hạnh phúc cho đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Để thực hiện được vế thứ hai trong sự nghiệp cách mạng, “Tuyên ngôn độc lập” đã nêu ra định hướng thiết lập “chế độ Dân chủ cộng hòa”, trên lãnh thổ Việt Nam, cùng với Chính phủ “đại diện cho toàn thể dân Việt Nam”. Có thể nói, “Tuyên ngôn độc lập” đã điểm trúng khát vọng cháy bỏng của đại đa số người dân nước ta khi đó về một chế độ chính trị có thể bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, hệ thống chính quyền gắn bó mật thiết với lợi ích của nhân dân, ý thức rõ bổn phận phụng sự nhân dân, hành động theo ý chí và nguyện vọng của nhân dân, và luôn đồng hành cùng lợi ích của dân tộc.

Bước sang thập niên thứ hai của thế kỷ 21, những tinh thần mãi vẹn nguyên giá trị của bản “Tuyên ngôn độc lập” năm xưa vẫn được khẳng định rõ ràng trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII: xây dựng một “hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; gắn bó mật thiết với nhân dân”.

Đại hội XIII cũng đã khẳng định nhận thức đúng đắn về đích đến của tiến trình phát triển đất nước, đó là phải đem lại cuộc sống hạnh phúc cho nhân dân. Sứ mệnh này thể hiện qua tầm nhìn lãnh đạo được Đảng cộng sản Việt Nam đề ra tại Đại hội XIII: “phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Trong không khí kỷ niệm ngày lễ độc lập, chúng ta càng ý thức rõ hơn về những thách thức từ thực tế vận hành của hệ thống chính quyền hiện nay. Sau những thập kỷ đổi mới khá thành công, bên cạnh các thành tựu to lớn đã đạt được thì một số dấu hiệu chính quyền “xa dân” cũng bắt đầu diễn biến phức tạp từ thập niên thứ nhất của thế kỷ 21. Tiêu cực và tham nhũng, một trong những biểu hiện “xa dân” nghiêm trọng nhất, ngày càng gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Nếu không được ngăn chặn, tiêu cực và tham nhũng không chỉ làm thất thoát các nguồn lực phát triển đất nước, đe dọa sự tồn vong của chế độ, mà trên hết là sự phản bội niềm tin về một chính quyền phụng sự nhân dân, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Cũng vì thế, chúng ta cần nhận thức rõ rằng công cuộc phòng, chống tiêu cực, tham nhũng do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo và thực hiện quyết liệt trong hai nhiệm kỳ gần đây chính là nỗ lực nhằm đưa chính quyền trở lại với bản chất và bổn phận mà nhân dân đã từng kỳ vọng trong niềm cảm hứng cách mạng năm xưa.

Một hệ thống “chính quyền nhân dân” thì dứt khoát không thể chấp nhận những cán bộ công quyền có thể coi nhẹ các giới hạn đạo đức, sẵn sàng quay lưng lại với lợi ích của nhân dân, và mưu lợi ích kỷ dựa trên sự trả giá của nhân dân. Do đó, ý nghĩa cao cả nhất của việc nghiêm khắc trừng phạt và loại bỏ những cán bộ thoái hóa, biến chất, lợi dụng công quyền để vụ lợi chính là nhằm từng bước khôi phục liêm chính công quyền, vun đắp và củng cố lòng tin của nhân dân không chỉ với chính quyền, với Đảng và Nhà nước, mà rộng hơn thế, là với một cam kết về chế độ chính trị đã được tuyên bố từ 78 năm về trước.

Hẳn nhiên, để có một “chính quyền nhân dân” với đầy đủ ý nghĩa của nó thì cùng với nỗ lực đẩy lùi nạn tiêu cực, tham nhũng, thách thức lớn hơn là tiến trình hiện đại hóa hệ thống chính quyền, rộng ra là nền quản trị quốc gia như đã được đề ra trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Bối cảnh trong nước và quốc tế hiện nay đã khác xa gần 80 năm về trước cho nên cấu trúc tổ chức, chức năng và nhiệm vụ của “chính quyền nhân dân” cũng cần định hình lại. Các lực lượng xã hội cũng đã có sự thay đổi cả về số lượng và chất lượng, cho nên có thể tham gia trong vị thế và vai trò chủ thể quản trị quốc gia, cùng thực hiện và đóng góp vào các hoạt động quản trị quốc gia.

Những âm hưởng truyền cảm hứng bất tận của bản “Tuyên ngôn độc lập” trong không khí cách mạng hào hùng 78 năm về trước không chỉ giúp chúng ta nhận thức lại chân giá trị của sứ mệnh cách mạng, mà còn củng cố tâm thế của chúng ta trước những thách thức trong thời gian tới.

Trong đó, những thông điệp từ “Tuyên ngôn độc lập” gợi ra rằng: Xây dựng một hệ thống chính quyền “của dân, do dân, và vì dân” chính là một trong những nhiệm vụ then chốt nhất. Hiện thực hóa được kỳ vọng về một “chính quyền nhân dân” sẽ giúp chúng ta có được một công cụ hữu hiệu để đảm nhiệm vai trò quyết định trong quá trình giải quyết các vấn đề mang tính tập thể, hướng đến một quốc gia phát triển vào năm 2045, để nhân dân được sống hạnh phúc.

Theo: dantri.com.vn

Hits: 15

Similar Posts