Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tập trung hoàn thiện Chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự, trong đó lấy phòng ngừa là chính, chủ động, chuẩn bị từ sớm, từ xa, từ trước, dựa vào dân, lấy dân làm gốc, nâng cao nhận thức và khả năng thích ứng với diễn biến, tình hình của người dân.

Chiều 10/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia, chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo, đánh giá kết quả công tác năm 2022 và thảo luận nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.

Thủ tướng: Phòng thủ dân sự từ sớm, từ xa, lấy dân làm gốc ảnh 1
Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia. Ảnh: Nhật Bắc

Theo báo cáo tại phiên họp, thời gian qua, tình hình thế giới, khu vực và trong nước diễn biến phức tạp; đại dịch COVID-19 gây hậu quả nghiêm trọng; biến đổi khí hậu, sự cố, thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, gây thiệt hại lớn về người tài sản; kinh tế-xã hội trong nước gặp nhiều khó khăn do tác động kép từ bên ngoài và bên trong; phát sinh nhiều thách thức đối với nhiệm vụ phòng thủ dân sự.

Thống kê từ 1/1/2022 đến 28/2/2023, thiên tai, sự cố đã xảy ra gần 8.000 vụ, gây thiệt hại lớn về người; riêng thiệt hại vật chất do thiên tai khoảng 5.065 tỷ đồng, gấp 2,8 lần so cùng kỳ năm 2021.

Phát biểu tại cuộc họp Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, công tác phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu nạn còn một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ hoạt động phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác dự báo, cảnh báo còn hạn chế; phương châm “bốn tại chỗ”, “ba sẵn sàng” nhiều nơi còn tính hình thức…

Dự báo tình hình biến đổi khí hậu, diễn biến thiên tai ngày càng cực đoan, bất thường; dịch bệnh còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhiều thách thức, Thủ tướng yêu cầu công tác phòng thủ dân sự phải chủ động, chuẩn bị từ sớm, từ xa, từ trước; thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ” kết hợp với chi viện, hỗ trợ của Trung ương, các địa phương và cộng đồng quốc tế. Chiến lược phòng thủ dân sự phải gắn với quy hoạch, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội quốc gia, vùng, ngành, địa phương; công trình phòng thủ dân sự phải chú trọng tính lưỡng dụng.

Về các giải pháp trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự án Luật Phòng thủ dân sự, trình Quốc hội bảo đảm tiến độ và chất lượng; xây dựng, sửa đổi, hoàn thiện các văn bản dưới luật quy định cơ chế, chính sách, pháp luật về phòng thủ dân sự. Cùng với đó, xây dựng lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm phòng thủ dân sự đảm bảo tinh gọn, hiệu quả. Tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác tham mưu, đáp ứng yêu cầu ứng phó kịp thời, chính xác, hiệu quả.

Tập trung hoàn thiện Chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự, trong đó lấy phòng ngừa là chính, xác định nhiệm vụ phòng thủ dân sự không chỉ của hệ thống chính trị, cấp ủy, chính quyền các cấp mà phải dựa vào người dân, doanh nghiệp; nâng cao nhận thức cộng đồng về hoạt động phòng thủ dân sự, phòng tránh thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, nâng cao khả năng thích ứng với diễn biến, tình hình thiên tai, sự cố của người dân.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Quốc phòng làm tốt vai trò cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo. Bộ Công an rà soát phương án điều động, chi viện lực lượng, phương tiện ứng phó với các tình huống cháy nổ, thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu nạn; xử lý nghiêm vi phạm trong ứng phó, khắc phục với các sự cố, thiên tai, dịch bệnh…

Theo: tienphong.vn

Hits: 19

Similar Posts