Ở Việt Nam, chủ nghĩa dân túy chưa có cơ sở kinh tế, chính trị – xã hội để tồn tại như “chủ nghĩa” nhưng đã xuất hiện những biểu hiện ban đầu, có thể hiểu đây là khái niệm thường được dùng để chỉ những thủ đoạn chính trị mang tính chất mị dân nhằm tác động vào tâm lý, nhu cầu và lợi ích cá nhân hay tác động vào quan điểm của số đông quần chúng để kích động, lôi kéo, tranh thủ sự ủng hộ của dư luận và quần chúng nhân dân trên một phạm vi rộng. Một số biểu hiện ban đầu như:
+ Thứ nhất, một số cán bộ, đảng viên có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lỏi sống, có lời nói, hành động trái với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
+ Thứ hai, một số cá nhân có những lời nói, bài viết hoặc xuất bản những cuốn sách, tài liệu có nội dung kích động chủ nghĩa dân tộc, tôn giáo cực đoan; đòi tự do, dân chủ không giới hạn; đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập; từ bỏ con đường xã hội chủ nghĩa.
+ Thứ ba, các đối tượng lợi dụng tâm lý bất bình, bất mãn của một số quần chúng nhân dân trước các vấn đề bức xúc xã hội lấy danh nghĩa hành động theo nguyện vọng của “quần chúng” để hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia: lợi dụng danh nghĩa “yêu nước”, vấn đề “tự do”, “dân chủ”, “nhân quyền”… để kích động, lôi kéo, tổ chức một bộ phận quần chúng tập trung đông người gây rối an ninh, trật tự.
Ảnh chương trình truyền hình VTV1 về chủ đề chủ nghĩa dân túy
Xuất phát từ những biếu hiện của chủ nghĩa dân túy tại Việt Nam, thời gian tới, cần:
+ Tiếp tục làm rõ bản chất, nguyên nhân phát sinh, điều kiện phát triển của chủ nghĩa dân túy; nhận diện rõ những hình thức và biểu hiện của chủ nghĩa dân túy tại Việt Nam; cần tuyên truyền rộng rãi cho Nhân dân thấy rõ những nguy cơ, biểu hiện, tác hại của chủ nghĩa dân túy; phân biệt giữa dân túy với dân chủ cũng như những hoạt động lợi dụng dân chủ để kích động quần chúng chống chính quyền.
+ Loại trừ các yếu tố mà đối tượng theo chủ nghĩa dân túy có thể lợi dụng như: những vấn đề phức tạp về chính trị, xã hội, liên quan đến quyền lợi đông đảo của quần chúng nhân dân; tình trạng tham nhũng, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Muốn vậy cần đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Đồng thời tập trung phát triển kinh tế, văn hóa, nâng cao đời sống của nhân dân, bảo đảm an sinh, công bằng xã hội… nhằm củng cố niềm tin vào Đảng, Nhà nước, từ đó hạn chế, tiến tới xóa bỏ yếu tố, điều kiện mà đối tượng theo chủ nghĩa dân túy có thể lợi dụng.
+ Tiếp tục kiên định thực hiện một cách chủ động, linh hoạt và sáng tạo chiến lược đối ngoại trong hội nhập quốc tế, với nguyên tắc bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia – dân tộc theo phương châm “hội nhập là quá trình vừa hợp tác vừa đấu tranh, chủ động dự báo, xử lý linh hoạt mọi tình huống, không để rơi vào thế bị động, đối đầu, bất lợi.
Đấu tranh ngăn ngừa và chống chủ nghĩa dân túy xâm nhập là một quá trình bền bỉ, lâu dài, gắn bó mật thiết với công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, là một phần quan trọng của đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Điều này đòi hỏi sự tham gia tích cực của các ban ngành, cấp ủy các cấp, sự tham gia của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân.”
Hits: 30