Mỗi dịp tết đến, xuân về là dịp để mỗi doanh nghiệp tri ân những người lao động và để đánh giá lại kết quả sản xuất, kinh doanh sau một năm nỗ lực nhằm động viên, khích lệ người lao động hăng say sản xuất và gắn bó với doanh nghiệp cũng như góp phần mang lại các tết đủ đầy, ấm no hơn cho người lao động. Tùy vào ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh, doanh thu, lợi nhuận, năng suất, hiệu quả sản xuất… mà mỗi doanh nghiệp có mức thưởng, hỗ trợ khác nhau, thường là thưởng bằng tiền, có khi bằng chính những sản phẩm mà người lao động làm ra. Do đó, mỗi dịp cuối năm người lao động lại trông ngóng, đợi chờ liệu năm nay doanh nghiệp mình có thưởng tết không? và mức thưởng như thế nào? Đây là câu hỏi mà các công ty, doanh nghiệp trong nước nói chung và toàn thế giới nói riêng vẫn đang tìm câu trả lời trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Hiện tại không có quy định nào bắt buộc doanh nghiệp phải thưởng tết cho người lao động trong mọi trường hợp, doanh nghiệp chỉ phải thưởng tết khi doanh nghiệp và người lao động có thỏa thuận trong Hợp đồng lao động hay theo quy chế nội bộ có quy định thưởng tết. Vì vậy, việc thưởng tết là do chủ doanh nghiệp tự quyết định và không bắt buộc. Tuy nhiên, đa phần các doanh nghiệp đều có các khoản thưởng, hỗ trợ nhân dịp tết cho người công nhân. Nhưng do ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19 nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh nên có thể sẽ không tiến hành thưởng tết hoặc có mức thưởng thấp hơn các năm trước. Đúng theo câu nói “mười đồng tiền công, không bằng một đồng tiền thưởng”, tâm lý của đa số người lao động sẽ thất vọng, hụt hẫng thậm chí có những phản ứng tiêu cực khi không có thưởng.

Lợi dụng tâm lý trên một số đối tượng đã kích động, lôi kéo người lao động tham gia đình công, lãn công trái pháp luật gây sức ép với chủ doanh nghiệp đòi thưởng, gây mất ANTT. Các thế lực thù địch, phản động và các đối tượng xấu đã triệt để lợi dụng những vụ việc trên để ra sức tuyên truyền, kích động công nhân, người lao động thành lập “Tổ chức đại diện người lao động” không thuộc Liên đoàn lao động tại doanh nghiệp nhằm biến tướng thành các tổ chức “Công đoàn độc lập” tại Việt Nam, từ đó từng bước tập hợp lực lượng, xây dựng ngọn cờ, kích động biểu tình, đình công, lãn công đòi hỏi các yêu sách dưới chiêu bài dân chủ, nhân quyền… Âm mưu của chúng là nhằm hình thành lực lượng đối lập trong nội bộ tiến tới thay thế Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và mục đích cuối cùng thực hiện “Cách mạng màu”, “Cách mạng đường phố” lật đổ Đảng Cộng sản, thay đổi chế độ chính trị tại Việt Nam.

Đảng và Nhà nước luôn xác định công nhân là lực lượng quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội; luôn dành sự quan tâm, chăm lo đặc biệt cho lực lượng công nhân. Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất hoặc tạm dừng sản xuất dẫn đến nhiều công nhân bị mất việc, bị nhiễm bệnh…, Chính phủ đã ban hành các văn bản để hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động như hỗ trợ bằng tiền cho người lao động bị mất việc hoặc nghỉ việc tạm thời; miễn giảm một số loại thuế và có các hỗ trợ, gói vay ưu đãi… cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng. Bên cạnh đó, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cũng đã tích cực vào cuộc chia sẻ khó khăn như hỗ trợ bằng tiền (từ 1,3 đến 3,0 triệu đồng) cho công đoàn viên là F0, tặng sổ tiết kiệm cho con công đoàn viên tử vong do dịch Covid-19, hỗ trợ bữa ăn, phí đi lại cho người lao động; cho phép doanh nghiệp chịu ảnh hưởng được lùi đóng phí công đoàn; nhận dịp Tết nguyên đán Nhâm dần mỗi công đoàn viên sẽ được nhận 300.000 đồng tiền thăm hỏi và quà từ quỹ tài chính công đoàn… Qua đó cho thấy sự ưu việt của hệ thống chính trị, sự chăm lo, quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước ta đối với đội ngũ công nhân, như câu nói của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Trong bối cảnh này điều quan trọng và cần thiết nhất là sự đồng lòng, thấu hiểu cùng nhau chia sẻ những khó khăn của Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động. Mỗi người lao động hãy chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp, địa phương và đất nước; hỗ trợ giúp đỡ nhau, vượt qua khó khăn, thách thức, tích cực tham gia lao động sản xuất với năng suất cao, chất lượng tốt, góp phần sớm ổn định sản xuất, đảm bảo việc và đời sống; hãy tỉnh táo, cảnh giác trước những âm mưu ý đồ của các thế lực thù địch, không để chúng có cơ hội lợi dụng kích động, lôi kéo, hướng lái lực lượng công nhân vi phạm pháp luật.

Hits: 31

Similar Posts