Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn quan tâm và dành những tình cảm, trách nhiệm sâu sắc để chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng thông qua những chính sách cụ thể, thiết thực và phù hợp với từng giai đoạn của cách mạng, thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc Việt Nam. Thế nhưng những năm gần đây, đâu đó vẫn có những tiếng nói lạc lõng, xuyên tạc về chính sách thương binh, liệt sĩ, phủ nhận sự hi sinh, đóng góp của các thương binh, liệt sĩ. Chúng đưa ra luận điệu xuyên tạc rằng: “Đảng, Nhà nước ta đã lãng quên, không quan tâm đến thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng”. Thậm chí chúng còn rêu rao rằng: “Sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ là không cần thiết, vô nghĩa”. Nguy hiểm và trắng trợn hơn chúng còn kêu gọi, tập hợp những người bất mãn để lập ra các câu lạc bộ, hội, nhóm cựu chiến binh, từ đó kích động biểu tình, viết thư ngỏ đòi yêu sách, gây rối an ninh trật tự.

Có thể nhận thấy đây chỉ là những âm mưu, thủ đoạn của những kẻ phản động, thâm thù, hậm hực với những thành tựu, công lao của Đảng, Nhà nước đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quan tâm chăm sóc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng là chủ trương, quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, là đạo lý truyền thống của dân tộc ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân, gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”. Thực hiện lời căn dặn ấy, hơn 70 năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng và tổ chức vận động toàn dân tích cực tham gia phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Trị tại

 thị xã Điện Bàn (Quảng Nam)

Đến nay, hơn 9 triệu người có công được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi, trong đó trên 1,4 triệu người có công, thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng với tổng kinh phí khoảng 29.000 tỷ đồng/năm. Hơn 4 triệu người có công được tặng huân chương, huy chương và các phần thưởng, danh hiệu cao quý khác. Ngoài chế độ trợ cấp, phụ cấp, Đảng và Nhà nước còn luôn quan tâm chăm lo cho người có công bằng các chính sách ưu đãi cụ thể như chăm sóc sức khỏe, ưu tiên giao đất sản xuất, hỗ trợ cải thiện về nhà ở, đất ở…

Cùng với thực hiện các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể địa phương, các đơn vị quân đội, công an, doanh nghiệp trong và ngoài nước còn tích cực xây nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ, thăm hỏi, tặng quà gia đình thương binh, bệnh binh, giúp họ yên tâm, ổn định cuộc sống… Những kết quả trên đã bác bỏ hoàn toàn các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động và khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân ta không bao giờ quên ơn các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh.

Trước sự xuyên tạc của các thế lực phản động, mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân cần phải hết sức tỉnh táo và cảnh giác, không nên nhẹ dạ cả tin. Cần đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc cho thế hệ trẻ, giúp họ hiểu, biết ơn và trân trọng những đóng góp hy sinh xương máu của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng. Kiên quyết đấu tranh có hiệu quả với những biểu hiện sai trái, xuyên tạc về chính sách người có công với cách mạng.

Hits: 34

Similar Posts