Cách đây 75 năm, ngày 06/01/1946, cuộc tổng tuyển cử đã tổ chức và bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà – cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, mở đầu cho quá trình xây dựng chế độ dân chủ mới; sự khởi đầu và phát triển của Quốc hội – một thiết chế dân chủ, trụ cột trong nhà nước pháp quyền của nhân dân, do dân và vì dân. Trải qua 75 năm hình thành và phát triển, Quốc hội Việt Nam đã và đang thực hiện tốt chức năng là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện các quyền lập pháp, hiến pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.
Chỉ còn gần một tháng nữa là đến ngày bầu cử, hiện nay, công tác chuẩn bị tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đang được các địa phương gấp rút triển khai nghiêm túc, đúng quy trình với mục tiêu để ngày bầu cử diễn ra an toàn, đúng luật thực sự là ngày hội toàn dân. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây các thế lực thù địch, phần tử xấu tăng cường các hoạt động phá hoại cuộc bầu cử với thủ đoạn ngày càng tinh vi, thâm độc, xuyên tạc thông tin, đưa ra những bình luận, nhận xét, đánh giá thiếu trung thực, phiến diện, một chiều, quy chụp, các đối tượng xấu đang hướng lái dư luận theo hướng tiêu cực, kích động tư tưởng hoài nghi về công tác bầu cử, gieo rắc nhận thức sai lầm liên quan đến hoạt động bầu cử. Cụ thể:
Một là, chúng tăng cường xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng ta đối với cuộc bầu cử.
Trên nhiều website, một số trang báo nước ngoài, trang mạng xã hội, trang blog cá nhân do các tổ chức phản động, cơ hội chính trị điều hành đã đăng tải nhiều nội dung, bài viết xuyên tạc về công tác bầu cử ở Việt Nam với những luận điệu sai trái như: “Đảng Cộng sản lãnh đạo bầu cử là không dân chủ”; “Bầu cử Quốc hội ở Việt Nam là hình thức”… Không khó để nhận thấy phía sau những luận điệu này là động cơ chính trị đen tối. Bởi ngay sau các luận điệu này, những phần tử chống đối đã lớn tiếng yêu cầu Đảng Cộng sản không được tham gia vào công tác bầu cử, không được lãnh đạo công tác bầu cử; Đảng phải chấp nhận đa nguyên, đa đảng…
Hai là, các thế lực thù địch đang ra sức thực hiện đó là chiêu trò “tự ứng cử”, hô hào các hội nhóm do các đối tượng chống đối, phần tử xấu trên mạng xã hội ký tên ảo, tung hô, ủng hộ các nhà dân chủ để gây rối, phá hoại bầu cử.
Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021, chúng ta cũng đã được chứng kiến một số “nhà dân chủ” và một số văn nghệ sĩ biến chất tự ứng cử. Khi không đủ điều kiện và bị loại qua các vòng hiệp thương, các đối tượng này lên mạng xã hội rêu rao những luận điệu hết sức sai trái như: chỉ có những người “theo phe” Đảng Cộng sản mới có cơ hội ứng cử đại biểu Quốc hội; phải để các ứng cử viên tự do tranh cử, dựa trên chữ ký của cử tri mà không cần phải trải qua hiệp thương; Đảng Cộng sản cố tình “cản trở” người ngoài Đảng tự ứng cử vào đại biểu Quốc hội v.v…
Ba là, các đối tượng chống phá ra sức xuyên tạc công tác tổ chức bầu cử, tung ra các kiến nghị vô căn cứ.
Các đối tượng lợi dụng việc này để đánh bóng tên tuổi của bản thân trong giới “dân chủ”. Có thể thấy chiêu trò “đòi ghế” trong Quốc hội không phải là điều mới. Ngay trong lần tổng tuyển cử đầu tiên khi đất nước mới giành được độc lập, trong bối cảnh trong nước và quốc tế có những diễn biến vô cùng phức tạp, sau khi không phá hoại được Tổng tuyển cử, Việt Nam Quốc dân đảng và Việt Nam Cách mạng đồng minh hội (Việt quốc, Việt cách) đã đòi 70 ghế trong Quốc hội.
Bên cạnh đó, các thế lực phản động, chống đối cũng tìm mọi thủ đoạn để phá hoại bầu cử, cài cắm các “mầm mống dân chủ” vào Quốc hội nhằm biến nghị trường trở thành diễn đàn để cách đối tượng thực hiện hoạt động chống phá, hình thành lực lượng đối lập trong Quốc hội – cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và hiện thực hóa chiến lược “diễn biến hòa bình”, làm nước ta tự suy yếu từ bên trong. Thông qua các luận điệu hướng lái cho rằng Đảng quy định số lượng đại biểu ngoài Đảng là quá ít, cần phải “cân bằng quyền lực” trong Quốc hội bằng cách chia một nửa số ghế cho những người ngoài Đảng… Thậm chí, có đối tượng còn đòi xóa bỏ cơ chế bầu cử hiện tại, đòi hỏi phải tiến hành bầu cử theo phương thức của các nước tư bản.
Vì vậy để kịp thời ngăn chặn, đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phần tử phản động, cần tăng cường theo dõi các thông tin thường xuyên, liên tục về công tác chuẩn bị cho quá trình bầu cử, qua đó tuyên truyền giúp người dân có điều kiện tiếp cận các thông tin chính thống; hạn chế ảnh hưởng của những thông tin sai trái, xấu độc. Khuyến cáo mỗi cán bộ, đảng viên cần thường xuyên nêu cao cảnh giác, chủ động đấu tranh, kịp thời phản bác những quan điểm, luận điệu sai trái của các thế lực phản động. Mọi người dân cần nâng cao khả năng “tự đề kháng”, tự bảo vệ chính mình trước các thông tin, xấu độc; có thái độ, trách nhiệm phản bác, lên án trước các luồng thông tin xấu lan truyền trên mạng xã hội trước, trong và sau thời điểm diễn ra cuộc bầu cử. Kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu thủ đoạn “Diễn biến hoà bình” bạo loạn lật đổ của các thế lực phản động, thù địch.
Mặt khác, mỗi công dân cần nhận thức đúng quyền lợi, nghĩa vụ của mình, thấy được ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử. Tất cả cử tri sẽ tự mình cầm lá phiếu trên tay để trực tiếp đi bầu cử và sáng suốt lựa chọn những người thật sự xứng đáng để bầu vào đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, tạo không khí phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân hướng tới ngày bầu cử, để ngày 23/5/2021 thực sự là “ngày hội của toàn dân”./.
Hits: 13