Hàng năm, mỗi dịp đất nước kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước thì các tổ chức phản động, các phần tử cực đoan chính trị lại rêu rao những luận điệu cũ rích, lạc hậu. Cùng với sự trợ giúp của các tổ chức phản động và chiến lược diễn biến hòa bình, tần suất chống phá ngày một gia tăng, nhất là trên không gian mạng. Mục đích chính của chúng là làm nao núng tinh thần một số người dân, kích động lòng thù hận trong các thế hệ và chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân.

Các tổ chức khủng bố như Việt Tân, Triều đại Việt đã triệt để tận dụng mạng internet để tạo các luồng thông tin ngược dòng lịch sử, phủ nhận chiến thắng vĩ đại 30-4, xuyên tạc thành tựu của đất nước trong công cuộc xây dựng, đổi mới. Trên các hội nhóm Facebook, các Fanpage và kênh Youtube, chúng thường xuyên lặp lại những câu từ sáo rỗng như “30-4 là ngày quốc hận”, “Tháng tư đen”; suy diễn, đánh tráo bản chất của cuộc chiến bảo vệ độc lập dân tộc của nhân dân ta là “cuộc nội chiến”, “huynh đệ tương tàn”…

Ảnh chụp facebook tổ chức khủng bố Việt Tân

Chúng moi móc các bài viết cũ từ nhiều năm trước rồi thay tiêu đề giật gân để tung lên các diễn đàn nhằm bôi nhọ, kích động. Các trang web cực đoan như Đài Á châu tự do (RFA), VOA tiếng Việt thường xuyên tổ chức các bài “phỏng vấn” những thành phần chống đối, lưu vong để hướng lái dư luận, cung cấp thông tin phiến diện, xuyên tạc nhằm lôi kéo lớp trẻ. Những kiểu bài như “Người trẻ nghĩ gì về 30-4”, “Ngày 30/4, sao buồn quá!”, “30/4 là một biến cố buồn”… được rêu rao trên nhiều hội, nhóm nhằm làm dao động tư tưởng của thanh thiếu niên. Chúng còn xây dựng các công cụ thăm dò ý kiến trên mạng rồi dùng thủ thuật để nâng khống số người tham gia nhằm tạo niềm tin cho người đọc. Thậm chí, chúng mượn danh các bạn trẻ để bình luận, đưa ra các quan điểm trái chiều nhằm nhiễu loạn thông tin…

Có thể thấy, những luận điệu mà các tổ chức phản động, kẻ cơ hội chính trị rêu rao hàng năm vào dịp này đều là những luận điệu cũ. Có hay chăng chúng chỉ thể hiện lại bằng hình thức khác để phù hợp hơn với sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là mạng xã hội. Biết không thể lôi kéo hầu hết các tầng lớp nhân dân, chúng tập trung vào một bộ phận thanh thiếu niên còn hạn chế về nhận thức hoặc có tư tưởng bất mãn. Nhưng dù có “khua môi múa mép” bao nhiêu đi nữa thì ánh sáng của sự thật, chính nghĩa và lịch sử đã đập tan mọi âm mưu xảo quyệt của chúng.

Thực tế là, lớp lớp thế hệ cha anh đã đoàn kết một lòng, sẵn sàng hy sinh tất cả để đánh đuổi đế quốc Mỹ xâm lược, đập tan ngụy quân, ngụy quyền, thống nhất đất nước, non sông thu về một mối. Chiến thắng vĩ đại 30/4/1975 đi vào lịch sử dân tộc như một chân lý rạng ngời. Đó hoàn toàn không phải là cuộc “nội chiến” hai miền hay “chiến tranh mang tính ý thức hệ” như luận điệu xuyên tạc. Đó là kết quả tất yếu của cuộc kháng chiến trường kỳ chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam nhằm giành lại độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc. Chiến thắng đó mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ 20, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc.

Với chiến thắng 30/4/1975, Việt Nam một lần nữa chứng tỏ trước lịch sử và thế giới về một đất nước kiên cường, bất khuất với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Tinh thần đó được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp nối, phát huy tinh và biến thành hành động trong quá trình đổi mới, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững; tạo nên một Việt Nam với cơ đồ mới, vị thế lớn, uy tín cao trên trường quốc tế.

Nhiều thập kỷ qua, khối đại đoàn kết toàn dân thường xuyên được vun đắp và phát triển. Đảng, Nhà nước, nhân dân ta luôn sẵn sàng chào đón tất cả kiều bào trở về đóng góp cho quê hương, đất nước. Những chuyến bay đón kiều bào về quê tránh dịch đã thể hiện tinh thần dân tộc, nghĩa đồng bào được tiếp nối từ thế hệ này qua thế hệ khác. Việt Nam được thế giới ghi nhận, coi là điểm sáng trong việc thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” vừa khống chế, ngăn chặn đại dịch Covid-19 thành công; vừa phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống và an toàn cho người dân.

Thực tế đó là ánh sáng vạch mặt những kẻ đang cố tình chia rẽ mối quan hệ đoàn kết, xuyên tạc, phủ nhận lịch sử, kích động hận thù, phá hoại công cuộc xây dựng đất nước của nhân dân ta. Qua đó, để thấy rằng, chẳng luận điệu nào có thể làm lu mờ chân lý mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”./.

Hits: 18

Similar Posts