Mới đây, Việt Nam Thời Báo và Chân Trời Mới Media đăng tải bài viết “CHỐNG THAM NHŨNG BẰNG “SÁCH” LÀ SỰ THẤT BẠI CỦA LUẬT PHÁP?”. Bài viết trên phơi bày sự xuyên tạc – chống đối mang tên Cát Tường để xuyên tạc cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực mà Đảng và Nhà nước Việt Nam đã và đang triển khai quyết liệt và sự kiện ra mắt cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản.

(Cuốn sách về đấu tranh phòng, chống tham nhũng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng)

Để xuyên tạc, Cát Tường trích dẫn điểm 2.2 Thông báo Kết luận của Bộ Chính trị (Kết luận số 12-KL/TW, ngày 6/4/2022) về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: “Khẩn trương rà soát, khắc phục những sơ hở, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, tài chính, chứng khoán,…; sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Thanh tra, Luật Thực hành dân chủ ở xã, phường, thị trấn, Luật Tiếp công dân và các dự án luật khác liên quan trực tiếp đến phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực”. Vin vào nội dung trích dẫn đó, y hô hoán lên rằng: “bên liên quan (thực hiện cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Tác giả) dường như đã thiếu sự cẩn trọng cần thiết của việc nhất quán trong chính sách thực phi pháp luật”…Trước những lý sự trên, có lẽ chỉ còn cách mỉa mai cho sự cẩu thả của kẻ phê người khác “thiếu cẩn trọng” nhưng lại thò ra chính mình mới là người cẩu thả.

Với hơn 600 trang, 3 phần nội dung, cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập những vấn đề cốt lõi công tác xây dựng Đảng; phân tích những vấn đề liên quan cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay (tham nhũng là gì; tác hại của nó; sự cần thiết phải đấu tranh phòng chống tham nhũng; những bài học cùng quan điểm, chủ trương, nguyên tắc, phương châm nhất quán, giải pháp cơ bản phòng chống tham nhũng tiêu cực; khẳng định sự đồng tình, tin tưởng của cán bộ, đảng viên, nhân dân, các học giả trong và ngoài nước đối với nhiệm vụ có ý nghĩa cực kỳ quan trọng nhưng cũng vô cùng gian nan này….Tuy nhiên, không một ai cho rằng tập sách này thay thế pháp luật trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực như Cát Tường dựng lên.

Người đứng đầu Đảng CSVN, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn yêu cầu phải thực hiện “nghiêm minh về kỷ luật của Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước”; “Có dấu hiệu phạm tội thì phải khởi tố, điều tra; kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật”; “Phải tiến hành đồng bộ giữa kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính của Nhà nước, đoàn thể và xử lý hình sự. Kỷ luật của Đảng thực hiện trước, tạo tiền đề để xử lý kỷ luật hành chính của Nhà nước, của đoàn thể và xử lý hình sự…”. Như vậy, nội dung của tác phẩm lý luận này không những không trái, mà còn thể hiện rõ nét, sinh động hơn nội dung Kết luận số 12-KL/TW nêu trên của Bộ Chính trị. Việc đọc, thấm nhuần và thực hiện tư tưởng chỉ đạo của người đứng đầu Đảng trong cuốn sách giàu tính lý luận và thực tiễn nêu trên của ông Nguyễn Phú Trọng chắc chắn chỉ giúp cho công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực triển khai quyết liệt, bền bỉ, hiệu quả hơn, góp phần vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng CSVN.

Một kẻ chống đối như Cát Tường thì chúng ta không lạ gì, bởi những kẻ chống phá như vậy không bao giờ hiểu Cuốn sách: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là quan trọng như thế nào./.

Hits: 27

Similar Posts