Điều 4, Luật Báo chí 2016 quy định rõ, nhiệm vụ hàng đầu của báo chí là “Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân; tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí”…
Trước hết cần khẳng định rằng, thời gian qua, đa số các cơ quan báo chí và nhà báo đã chấp hành tốt pháp luật, thực hiện nghiêm túc Luật Báo chí và những quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Những công lao đóng góp của báo chí trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và góp phần thúc đẩy xã hội phát triển văn minh, tiến bộ là không thể phủ nhận. Phần đông người làm báo vẫn tâm huyết nuôi dưỡng, duy trì “lửa nghề” theo đúng tinh thần “phụng công, thủ pháp”, không thiên lệch, không “bẻ cong” ngòi bút vì mục đích, lợi ích cá nhân. Đó là cơ sở để người làm báo giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, bảo toàn chữ “tâm” trong sáng của người làm báo cách mạng.
Có một thời nói về báo chí, nhân dân coi đó như một trong những biểu tượng công lý trong xã hội. Vì nói đến báo chí là nói đến sự khách quan, trung thực, công tâm, chính xác. Thế nên, không ngẫu nhiên mà một thời cách đây chưa xa, người dân vẫn truyền tai nhau câu cửa miệng “Nói hay như đài”, “báo đăng đây này” với hàm ý khẳng định khi các cơ quan đài, báo đã phát sóng, đăng tải tin, bài thì rất đáng tin cậy.
Tuy nhiên, những năm gần đây, trước những tác động mặt trái của cơ chế thị trường và thời đại thông tin bùng nổ, một số cơ quan báo chí, một bộ phận nhà báo đã không làm tròn phận sự, thiên chức cao quý của mình, có biểu hiện thương mại hóa hoạt động báo chí, hành nghề thiếu đạo đức, gây ra nhiều “điều tiếng” không hay trong xã hội. Một số báo đăng tải các nội dung mang tính giật tít nhảm nhí, không chú trọng vào nội dung để thu hút người đọc, không kiểm duyệt chặt chẽ nội dung trước khi đăng tải.
Báo chí tồn tại nhờ niềm tin xã hội. Giá trị của báo chí không ở đâu xa, mà chính là những thông tin khách quan, trung thực, bổ ích mà báo chí mang lại cho công chúng và xã hội. Mạng xã hội dù có một số thông tin của cá nhân đưa ra nhanh nhạy đến mấy nhưng cũng không thể và không bao giờ thay thế được sứ mệnh của báo chí, vì tính chính xác, nhân văn mới là giá trị cốt lõi và là lý do tồn tại của báo chí.
Thông qua thực hiện sứ mệnh của mình, báo chí cách mạng góp phần khơi dậy niềm tin và khát vọng của cả quốc gia, dân tộc. Sứ mệnh đó thể hiện ở chỗ, báo chí Việt Nam không chỉ thông tin, tuyên truyền, cổ vũ, nhân lên cái tốt, cái đẹp trong cuộc sống để kiến tạo nền tảng đồng thuận xã hội và môi trường ổn định chính trị, mà còn lên án cái xấu, cái ác để giúp mọi người cảnh giác, tránh xa, loại bỏ. Báo chí không chỉ tham gia cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực xã hội để góp phần làm trong sạch hệ thống chính trị và bộ máy công quyền, mà còn tích cực đấu tranh phê phán các luận điệu sai trái, thù địch để bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ ta. Báo chí không chỉ cổ vũ phong trào quốc gia khởi nghiệp, khuyến khích mọi nhà làm giàu chính đáng, phổ biến, nhân rộng những cách làm ăn mới, sáng tạo để mọi người học tập, làm theo, mà còn động viên, khích lệ người dân sống tốt, sống đẹp để góp phần xây dựng một xã hội tiến bộ, văn minh. Báo chí cách mạng Việt Nam là một nền báo chí phục vụ sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Điều đó đặt ra cho mỗi người làm báo hôm nay không bao giờ được phép xa rời những nguyên tắc cơ bản của báo chí cách mạng, đó là tiếp tục dấn thân, cống hiến, mang đến cho công chúng, xã hội những tác phẩm, sản phẩm báo chí thật sự bổ ích, lành mạnh.
Để hoàn thành nhiệm vụ cao quý đó, đòi hỏi các cơ quan báo chí, trước hết là ban lãnh đạo và người đứng đầu cần nhận thức sâu sắc và thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích đã ghi trong giấy phép hoạt động báo chí. Đội ngũ những người làm báo cần bền bỉ, thường xuyên học tập, tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao cả về trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ và bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp; tuân thủ nghiêm túc Luật Báo chí và những quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, cơ quan chủ quản báo chí cần quan tâm xây dựng hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách, môi trường tác nghiệp thuận lợi giúp cho báo chí hoạt động đúng luật, hiệu quả, phục vụ đắc lực công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước trong tình hình mới.
Hits: 32