Những ngày cuối tháng 10, những người biểu tình đầu tiên khoác chiếc áo “gi-lê vàng” xuống đường phản đối việc chính phủ Pháp áp thuế môi trường khiến giá nhiên liệu tăng. Họ chọn những chiếc áo “gi-lê vàng”, vốn là chiếc áo để mặc khẩn cấp mỗi khi buộc phải dừng đỗ xe trên đường vì sự cố. Thông điệp của việc này phát đi rất rõ ràng: “Chúng tôi đang gặp nguy. Hãy giúp đỡ chúng tôi”.
Họ – những người “Áo vàng”, được Quỹ Jean Jaures, một trong các think-tank (Viện chính sách hoặc Viện nghiên cứu) tiêu biểu của cánh tả tại Pháp, nêu ra 3 đặc điểm nổi bật: Những người đói ăn cuối tháng, sống ở nông thôn hoặc trong các thành phố nhỏ. “Áo vàng” giờ là quy tụ của rất nhiều tầng lớp: Người lao động lương thấp, hợp đồng ngắn, người về hưu bị tăng CSG (tiền đóng góp xã hội), công nhân đường sắt đang bị đe dọa sa thải, học sinh – sinh viên phản đối tăng học phí và đòi cải cách đầu vào Đại học. Đó là một tập hợp của những người tạo nên một nước Pháp khác, không phải ở Paris hay Lyon, đang giận dữ vì cảm giác bị bỏ rơi, bị bủa vây bởi đói nghèo và bất công xã hội.
Người biểu tình “Áo gile vàng” chiếm giữ Khải Hoàn môn, một biểu tượng của nước Pháp (Ảnh: nguồn Internet)
Phong trào biểu tình “Áo gile vàng” manh nha từ tháng 5 khi một người phụ nữ chuyên kinh doanh mỹ phẩm và sống ở ngoại ô Paris tên Priscillia Ludosky đăng tải một lá thư kêu gọi chính phủ Pháp giảm giá xăng dầu. Người phụ nữ này đã tính toán chi tiết các yếu tố cấu thành giá xăng dầu ở Pháp và nhận ra các khoản thuế chiếm tới hơn một nửa. Lá thư hầu như không nhận được sự hưởng ứng cho đến tận tháng 10 khi Eric Drouet, một tài xế xe tải vô tình đọc được và chia sẻ với bạn bè trên Facebook. Báo chí bắt đầu vào cuộc với các bài viết về lá thư của Priscillia Ludosky và ngay lập tức, số người ký vào đơn kêu gọi đã tăng từ 700 lên 200.000 người, và hiện giờ đã vượt 1,5 triệu chữ ký, và còn tiếp tục tăng.
Một cuộc biểu tình của các tài xế vào ngày 17/11 để đề nghị chính phủ hạ giá xăng, phong trào này đã nhanh chóng lan rộng trên mạng xã hội. Cuộc biểu tình đầu tiên của phong trào “Áo gile vàng” có sự tham gia của gần 300.000 người. Thành phần tham gia ban đầu chủ yếu là những tài xế hoặc những người phải sử dụng xe hơi cá nhân để đi làm hàng ngày, sau có thêm sự tham gia của các chủ doanh nghiệp nhỏ, các nhà thầu độc lập, nông dân, nội trợ, y tá… Họ sống chủ yếu ở các vùng nông thôn hay ngoại ô các thành phố lớn.
Khi chính phủ Pháp đưa ra chính sách tăng thuế đánh vào xăng dầu, mà mục đích là để có thêm tiền tài trợ cho chiến lược dài hơi về chuyển đổi sang các ngành năng lượng xanh, họ không ngờ rằng chỉ vài chục xen tăng lên trên mỗi lít nhiên liệu lại đủ để làm tràn cả ly nước giận dữ. Nghiêm trọng hơn, những người này nhận ra rằng, suốt bao năm qua thuế liên tục tăng, trợ cấp xã hội cắt giảm, sức mua ngày càng kém đi trong khi tiếng nói của họ thì ngày càng bị phớt lờ, khinh miệt. Và cuối cùng, sau nhiều thập kỷ phát triển không đồng đều, sự giàu có kinh tế tích tụ về các vùng đô thị lớn quanh Paris, Lyon, Toulouse… và để lại phía sau một nước Pháp nông thôn rộng lớn về lãnh thổ nhưng trống rỗng về của cải.
Tất cả những mặc cảm, bức xúc, giận dữ… đó không phải do vị Tổng thống trẻ Emmanuel Macron tạo ra mà là tích góp bao năm qua từ các đời Tổng thống trước đó của các ông Chirac, Sarkozy, Hollande. Cho đến khi thái độ cứng rắn đến ngạo mạn, thậm chí bị những người hưu trí coi là “láo xược” của ông Macron, đã khiến mọi thứ dần vượt tầm kiểm soát.
Bức tượng nàng Marianne tượng trưng cho Tự do, Bình đẳng, Bác ái bị người biểu tình đập vỡ đầu (Ảnh: nguồn Internet)
Ngày đầu tiên, 17/11, toàn nước Pháp có 282 ngàn người “Áo vàng” xuống đường. Ngày thứ hai, 24/11, con số là 166 ngàn người. Và thứ Bảy vừa qua, 01/12, là 136 ngàn người. Nhìn vào các con số, thì dường như phong trào đang yếu đi. Nhưng thực tế thì không phải vậy. Mức độ bạo lực gia tăng qua mỗi lần xuống đường. Đợt đầu tiên, 17/11, hầu như không có sự cố gì nghiêm trọng. Đến ngày 24/11, thiệt hại bắt đầu đáng lo: 2 người chết, 103 người bị bắt giữ, vài chục xe ô tô bị đốt cháy. Đến ngày 1/12 thì sự tồi tệ lên đến đỉnh điểm. Trung tâm thủ đô Paris biến thành “chiến trường” với khói lửa, hơi cay, vòi rồng, gạch đá. Những chiếc xe hơi bị đốt cháy rụi, những cửa kính nhà hàng, công sở bị đập vỡ, rụ sở ngân hàng, các cửa hiệu đồ xa xỉ, siêu thị… bị đập phá, đốt cháy, hôi của, gạch đá lát đường bị cậy lên để ném vào cảnh sát, các thùng rác được huy động làm rào chắn và bị đốt cháy, những hình vẽ grafiti nhằng nhịt, tràn lan trên những di sản thiêng liêng ở Paris, trong đó có Khải Hoàn Môn.
Khải Hoàn Môn, biểu tượng chiến thắng của nước Pháp, nơi đặt “Ngọn lửa chiến sĩ vô danh” bị đập phá và bôi nhọ. Một số nhóm biểu tình còn tháo dỡ hàng rào bao quanh để tiến vào khu vực bia liệt sĩ. Bức tượng nàng Marianne tượng trưng cho nền Cộng hoà Pháp Tự do, Bình đẳng, Bác ái bị người biểu tình đập vỡ đầu. Trên tường, các dòng chữ graffiti đen kịt những khẩu hiệu như “Macron démisssion”- “Macron từ chức” hay “Marcron = Louis XVI (Louis XVI, 1754-1793, quân vương nhà Bourbon, cai trị nước Pháp từ 1774 đến 1792, bị xử tử hình năm 1793)… Một trong những biểu tượng lớn nhất của Paris và nước Pháp đã bị ô uế, theo đúng nghĩa đen của từ này.
Về phía chính phủ Pháp, ban đầu chính quyền của Tổng thống Emmanuel Marcron tuyên bố sẽ tìm mọi biện pháp để ngăn chặn các cuộc biểu tình bạo động. Mặc dù tuyên bố sẵn sàng đối thoại với người biểu tình, song chính quyền của ông vẫn kiên quyết giữ kế hoạch cải cách thuế. Điệp khúc “chúng tôi sẽ không từ bỏ mục tiêu” mà các ông Macron, Édouard Philippe… nhắc đi nhắc lại trong những ngày qua bị xem như là lời thách thức đầy khinh miệt với phong trào phản kháng, mà về sâu xa là xuất phát từ những bức xúc và đòi hỏi chính đáng của một lượng lớn người dân Pháp.
Tuy nhiên, vào phút chót, trước tình hình các cuộc bạo động có nguy cơ lan rộng và mất kiểm soát, thủ tướng Pháp Edouard Philippe ngày 04/12 đã tuyên bố sẽ tạm dừng kế hoạch tăng thuế xăng trong vòng 6 tháng. Ngoài ra, ông Philippe cũng công bố kế hoạch tạm dừng tăng giá điện và khí đốt trong 3 tháng.
Phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Philippe nhấn mạnh không thể để việc tăng thuế nhiên liệu đẩy sự đoàn kết dân tộc vào thế nguy hiểm. Ngoài ra, kế hoạch siết chặt việc đánh giá kỹ thuật đối với ô tô, vốn nhằm vào xe đời cũ gây ô nhiễm môi trường cũng được hoãn trong vòng 6 tháng. Ông Philippe cho biết thêm, mọi cuộc biểu tình trong tương lai phải được thông báo trước với các nhà chức trách và diễn ra trong hòa bình.
Hi vọng rằng, với những động thái tích cực của chính phủ Pháp, nút thắt cho cuộc bạo loạn kinh hoàng nhất trong vòng vài thập kỷ qua ở Paris sẽ được tháo gỡ?
Hits: 57