Những ngày qua, mạng xã hội thảo luận sôi nổi về câu chuyện của Tiktoker V.M.L – chủ nhân kênh Tiktok có nội dung chia sẻ và truyền cảm hứng sống tích cực cho cộng đồng người khuyết tật. L có đăng tải một bài viết trên mạng xã hội facebook, chia sẻ trải nghiệm bị từ chối phục vụ khi đi ăn sáng tại Hà Nội do là “người khuyết tật”, tố 02 quán phở tại Hà Nội có hành vi kì thị người khuyết tật. Sau khi được đăng tải, bài viết nhận được nhiều lượt tương tác, chia sẻ, nhiều người tin, và tỏ ra thương cảm, động viên, rồi quay ra chỉ trích thái độ phục vụ của 02 quán ăn, vấn đề càng trở nên nghiêm trọng hơn khi bắt đầu xuất hiện những tranh luận về việc phân biệt vùng miền, kỳ thị, phân biệt đối xử, về văn hoá giao tiếp của người Hà Nội.

Tuy nhiên ngay sau đó, chủ quán phở đã lên tiếng đính chính, những người chứng kiến sự việc và hình ảnh trích xuất từ camera được công khai rộng rãi bước đầu cũng cho thấy, diễn biến sự việc không khớp với lời Tiktoker trên miêu tả, có dấu hiệu của việc cố tình xây dựng nội dung “bẩn” nhằm câu view, tăng tương tác, định hướng dư luận vào nội dung phân biệt đối xử đối với người khuyết tật, dễ thu hút sự chú ý và tạo thành làn sóng chỉ trích của cộng đồng (nếu có sự phân biệt thật).

Điều này làm nảy sinh câu hỏi về tính chính xác của thông tin và có phải đây là một chiến thuật để câu view và like phục vụ mục đích bán hàng?

Ảnh chụp facebook TikToker gây xôn xao dư luận trong thời gian qua

Trên thực tế hiện nay, thực trạng các video, bài viết độc hại có nội dung “bẩn” xuất hiện nhiều trên các nền tảng xã hội, ngày càng có nhiều người làm nội dung trên Tiktok, Youtube, Facebook tìm cách bóc phốt, dìm hàng, hạ bệ người khác hoặc tạo các nội dung gây sốc, sai sự thực nhằm đổi lấy sự nổi tiếng của mình, gây ra sự nhiễu loạn trong đời sống và xã hội. Điển hình như vụ Tiktoker Nờ Ô Nô – người chuyên làm nội dung review đồ ăn bằng những từ ngữ thô tục, phản cảm, trong chuỗi video có chủ đề “Người nghèo ăn gì – Nờ Ô Nô cho ăn đó”, nam TikToker này đã sử dụng những lời lẽ miệt thị, thái độ cợt nhả đối với những người yếu thế trong xã hội, hay vụ việc một cô gái trẻ đăng tải video nhảy múa trong khu vực sân đỗ máy bay lên TikTok, trong khi ghi hình, máy bay gần đó đang di chuyển,…

Sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội mang đến cơ hội kiếm tiền cho nhiều người, nhưng đó cũng là “mảnh đất màu mỡ” cho các loại tội phạm mạng cũng như người xấu lan truyền những nội dung độc hại… Ngoài việc tăng cường quản lý, xử phạt thích đáng của cơ quan chức năng đối với các trường hợp vi phạm, người dùng mạng xã hội, đặc biệt là giới trẻ cần nâng cao cảnh giác, biết tẩy chay, báo cáo những nội dung xấu để tự bảo vệ mình. Trước những sự việc như vậy, chúng ta cần nhìn nhận khách quan, kiểm chứng tính xác thực của thông tin, đừng để bản thân bị chi phối bởi cảm xúc và rơi vào “bẫy” của nội dung “bẩn.” Chúng ta đều có trách nhiệm để xây dựng một môi trường trực tuyến tích cực. Hãy chia sẻ thông tin một cách có trách nhiệm, giữ cho mạng xã hội trở thành nơi giao lưu, chia sẻ thông tin chính xác./.

Hits: 20

Similar Posts