Vào hồi 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ của Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, đánh dấu giờ phút thiêng liêng của dân tộc Việt Nam, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kéo dài 21 năm (1954 – 1975) của đất nước ta. Kể từ đó, ngày 30/4 hằng năm trở thành ngày lễ chính thức của nước ta, là Ngày Chiến thắng, Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam, thống nhất đất nước.
Thế nhưng, đã trở thành thông lệ từ nhiều năm nay, cứ gần đến ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, một số đối tượng chống đối cực đoan ở trong và ngoài nước lại thông qua các tài khoản cá nhân trên các trang mạng xã hội hoặc các cơ quan đài, báo nước ngoài như RFA, BBC tiếng Việt, VOA tiếng Việt, Đài Á Châu Tự do, đặc biệt là tổ chức phản động Việt Tân lại đăng tải các bài viết có nội dung tô vẽ những quan điểm sai trái, thù địch, trả lời phỏng vấn với cách nhìn sai lệch, xuyên tạc lịch sử về ngày 30/4/1975. Một số trang mạng ở nước ngoài gọi ngày 30/4 bằng những từ mang tính thù hận như “Tháng tư là tháng vo gạo bằng nước mắt”, “Mùa quốc hận”. Họ gọi cuộc chiến tranh do đế quốc Mỹ tiến hành ở Việt Nam giai đoạn 1954 – 1975 là “cuộc nội chiến giữa hai miền Nam – Bắc”, gọi ngày 30/4/1975 là “Ngày quốc hận” và tháng 4/1975 là “Tháng tư đen”… Ở trong nước, một số đối tượng cũng hùa theo, lập các tài khoản đưa lên những bài viết có nội dung sai sự thật, ca ngợi những phần tử chống đối là những “anh hùng dân tộc”, các tổ chức phản động là “duy nhất có thể thay đổi chế độ cộng sản ở Việt Nam”…
Có lẽ chúng không biết hoặc cố tính phủ nhận sự thật lịch sử Việt Nam trong thế kỷ XX. Sau Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (ngày 7/5/1954), thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Genevơ. Theo nội dung Hiệp định, vĩ tuyến 17 được coi là ranh giới tạm thời chia đôi đất nước ta. Ranh giới ấy lẽ ra đã được xóa bỏ, hai miền Nam-Bắc ruột thịt có thể đã được thống nhất chỉ sau hai năm bằng cuộc Tổng tuyển cử vào tháng 7/1956. Thế nhưng đế quốc Mỹ với âm mưu muốn thế chân thực dân Pháp ở miền Nam đã phá đi cơ hội thống nhất non sông lúc ấy. Dưới sự hậu thuẫn của Mỹ, chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm đã giành quyền thống trị miền Nam bằng vũ lực, súng đạn, máy chém, sát hại dã man hàng vạn đồng bào, tạo ra những cuộc bắt bớ, giết hại tín đồ Phật giáo, gây mâu thuẫn dân tộc, tôn giáo. Với việc dựng lên chính quyền Ngô Đình Diệm, Mỹ đã thi hành ở Việt Nam chủ nghĩa thực dân kiểu mới. Khi nhận thấy Ngô Đình Diệm không còn phù hợp với chính sách của mình, Mỹ lập tức dàn xếp một cuộc đảo chính, tiêu diệt cả hai anh em Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu, dựng lên tại miền Nam Việt Nam một chính thể khác phục vụ trung thành hơn cho lợi ích của Mỹ tại Việt Nam.
Cùng với quân đội Mỹ, quân đội ngụy quyền Sài Gòn đã thực hiện nhiều chiến dịch thảm sát đồng bào miền Nam. Kể cả khi Mỹ đưa quân trực tiếp tham chiến, hay sau khi quân Mỹ phải rút phần lớn lực lượng khỏi miền Nam Việt Nam theo Hiệp định Paris vào năm 1973 thì bản chất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng vẫn không thay đổi. Tại Việt Nam từ năm 1954 đến 1975, thực chất chỉ có một Nhà nước chính danh của dân tộc Việt Nam tồn tại, đó là Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được khai sinh ngày 2/9/1945 sau cuộc Cách mạng Tháng Tám lịch sử. Bộ máy quản lý Nhà nước đó đã được Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bầu chọn. Các đại biểu Quốc hội khóa I được cử tri cả nước tín nhiệm bầu ra trong cuộc Tổng tuyển cử vào ngày 6/1/1946. Còn cái gọi là “Chính phủ Việt Nam cộng hòa” không phải là một chính quyền hợp pháp, hợp đạo lý, hợp lòng dân mà chỉ là tay sai cho đế quốc Mỹ.
Đến đầu năm 1973, sau khi thua đau trên chiến trường, chịu sức ép của dư luận trong nước và quốc tế bởi đang thực hiện một cuộc chiến tranh phi nghĩa, đế quốc Mỹ buộc phải ký Hiệp định Paris, rút quân khỏi nước ta. Nhưng Mỹ vẫn để lại một đội ngũ cố vấn hùng hậu, vẫn viện trợ quân sự để tiếp tục biến chính quyền “Việt Nam cộng hòa” thành con rối trong tay Mỹ. Như thế, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta không phải là một cuộc nội chiến giữa hai miền Nam-Bắc của Việt Nam như luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Mà đó là cuộc kháng chiến chính nghĩa của toàn thể dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam trước sự xâm lược của đế quốc Mỹ và đánh đổ bè lũ tay sai của Mỹ, kết thúc thắng lợi bằng Chiến thắng 30/4/1975.
Chiến thắng 30-4-1975 là thắng lợi to lớn nhất, trọn vẹn nhất, vĩ đại nhất trong hành trình thực hiện mục tiêu cách mạng do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; là trang sử hào hùng và chói lọi trong lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc. Nếu không có Chiến thắng 30-4-1975, chúng ta không thể có công cuộc đổi mới hiện nay, không có điều kiện để tập trung tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong gần 50 năm qua./.
Hits: 22