Trong những năm gần đây, hoạt động của các trang mạng xã hội đã và đang tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến mọi mặt của đời sống, tạo hiệu ứng xã hội lan truyền mau lẹ, rất khó quản lý. Trong đó Việt Nam đứng trong nhóm quốc gia có số người sử dụng internet, đặc biệt là các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Tiktok… lớn nhất thế giới. Từ tình hình thực tế trên, các thế lực thù địch và các tổ chức đối lập có nhiều cơ hội để lợi dụng mạng internet, không gian mạng công khai chống Đảng, Nhà nước ta. Tình hình Biển Đông và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam là nội dung chúng quan tâm và xuyên tạc chống phá từ bên ngoài, tạo dựng lực lượng chống đối từ bên trong hòng gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, thực hiện âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” đối với nước ta.

Thực tế cho thấy bước đầu các thế lực thù địch, các tổ chức, cá nhân chống đối lợi dụng các trang mạng xã hội như Tiktok, Youtube, Zalo, Facebook,… kết hợp với các đài báo phản động ở bên ngoài, sử dụng các đối tượng trong nước thu thập thông tin, trả lời phỏng vấn về các vấn đề nhạy cảm, phức tạp để phát tán tài liệu, video tạo ra các “chiến dịch truyền thông” nhằm tuyên truyền phá hoại tư tưởng, tấn công trực diện vào vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước. Chúng công khai bày tỏ quan điểm đối lập, khơi gợi hận thù chế độ, khai thác tâm lý bức xúc của người dân, gây chia rẽ trong quần chúng nhân dân… Thông tin và luận điệu xuyên tạc liên quan đến tình hình Biển Đông và bảo vệ chủ quyền biển, đảo mà các thế lực thù địch, các tổ chức, cá nhân chống đối tung ra hoàn toàn là những thông tin vu khống, bịa đặt, không đúng sự thật; chúng lợi dụng những vấn đề trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo như: việc nước ngoài triển khai trên thực địa, tăng cường các biện pháp nhằm gia tăng sức mạnh quân sự và thực hiện ý đồ kiểm soát, hiện thực hóa các yêu sách phi pháp tại Biển Đông…

Hình ảnh tổ chức đối lập đăng tải thông tin xấu độc liên quan đến tình hình Biển Đông trên mạng xã hội

Trong lúc cả nước đang sôi sục khí thế, đoàn kết trong tình yêu biển đảo, yêu quê hương đất nước thì các thế lực thù địch, các tổ chức, cá nhân chống đối tự xưng là “tổ chức dân sự” ở Việt Nam, chúng viết những bài kích động chiến tranh, có lời lẽ kích động thù hằn dân tộc và âm mưu lợi dụng lòng yêu nước để trà trộn vào các đoàn biểu tình yêu nước tổ chức kêu gọi trả tự do cho các đối tượng tù nhân chính trị trong các trại giam như Nguyễn Văn Hải (Hải điếu cày), Nguyễn Hữu Vinh (anhbasam),…

Internet và các trang mạng xã hội cũng là kênh chủ yếu để các thế lực thù địch, các tổ chức, cá nhân chống đối tán phát các dự luật, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Quốc hội liên quan đến bảo vệ chủ quyền biển, đảo với nội dung xuyên tạc, vu cáo, kích động biểu tình, gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, đẩy vấn đề lên nhằm phá hoại nội bộ, tác động tiêu cực tới nhận thức, quan điểm, tư tưởng, gây tâm lý hoang mang, hoài nghi, làm suy giảm lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với xã hội…Với khả năng tương tác và lan truyền thông tin nhanh chóng, internet, mạng xã hội được các thế lực thù địch sử dụng để chia sẻ công cụ, cách thức, thủ đoạn phạm tội; phương thức lây nhiễm virus, phần mềm gián điệp,… nhằm mục đích cản trở hoạt động của cơ quan chức năng, các tập đoàn kinh tế, phá hoại nền kinh tế của đất nước. Hoạt động tuyên truyền xuyên tạc của các thế lực thù địch đã tác động thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nhiều trường hợp cán bộ, đảng viên hưởng ứng tham gia tụ tập biểu tình gây mất an ninh trật tự, phát ngôn, trả lời phỏng vấn báo đài nước ngoài với nội dung tiêu cực, bất mãn.

Trước thực trạng trên, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách chỉ đạo công tác bảo vệ an ninh mạng và phòng, chống hoạt động lợi dụng internet, mạng xã hội chống phá nước ta, như: Chỉ thị 28-CT/TW, ngày 16/9/2013 của Ban Bí thư (khóa XI) “Về tăng cường công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng”; Chỉ thị 15/CT-TTg, ngày 17/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ “Về tăng cường công tác bảo đảm an ninh và an toàn thông tin mạng trong tình hình mới”;…Đấu tranh, ngăn ngừa hành vi lợi dụng mạng Internet, mạng xã hội để tuyên truyền xuyên tạc về tình hình Biển Đông và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam là nhiệm vụ của các cấp, các ngành, và toàn dân tộc, trong đó, lực lượng chuyên trách giữ vai trò quyết định. Do vậy, cần xây dựng lực lượng này có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ lý luận cao, có khả năng diễn đạt, luận chiến thuyết phục, có nhiệt huyết, dũng khí, quyết tâm đấu tranh để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ; chú trọng nâng tầm lý luận sắc sảo, kinh nghiệm cho họ, bảo đảm để lực lượng này là nòng cốt, xung kích trong đấu tranh, ngăn ngừa hành vi lợi dụng internet, mạng xã hội để tuyên truyền xuyên tạc về tình hình Biển Đông và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.

Mỗi cá nhân chúng ta cần nhìn nhận thực tế và đấu tranh ngăn ngừa hành vi lợi dụng mạng internet, mạng xã hội để tuyên truyền các luận điệu xuyên tạc về tình hình Biển Đông và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam, đây là cuộc chiến lâu dài, khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải có sự quyết tâm cao, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, mỗi tổ chức và công dân. Trong đó, các lực lượng chức năng có vai trò rất quan trọng, sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của các lực lượng làm nòng cốt cho toàn dân là nhân tố trực tiếp để đạt được hiệu quả cao nhất, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

Hits: 20

Similar Posts