Đại dịch Covid-19 ập tới, hoành hành trong hơi hai năm qua để lại hậu quả hết sức nặng nề với nước ta, hơn 40.000 người tử vong, gần 5.000 trẻ em mồ côi mất cha, mất mẹ, cả dân tộc chịu nhiều mất mát đau thương. Các y, bác sỹ, lực lượng vũ trang nơi tuyến đầu “chống dịch như chống giặc” chấp nhận hi sinh, vất vả của cá nhân, thậm chí có cả những người đã hi sinh tính mạng của mình để đổi lấy sức khỏe cho cộng đồng; chung tay cùng cả hệ thống chính trị cùng hợp sức đẩy lùi đại dịch; tuy nhiên bên cạnh đó lại có một số bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, gục ngã trước cơn bão mang tên “Việt Á”.
Một hình ảnh Việt Nam tỏa sáng sau đại dịch Covid-19 đã chính thực được thiết lập trở thành điểm đến hấp dẫn an toàn đối với các nhà đầu tư và bạn bè quốc tế. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại việc đấu thầu mua sắm và mua sắm tập trung còn nhiều bất cập, vi phạm pháp luật về quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ tại Công ty cổ phần công nghệ Việt Á.
(Phan Quốc Việt – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á)
Trong khoảng hơn 2 năm, các vụ án y tế liên tục diễn ra, cả trăm lãnh đạo và cán bộ y tế đã bị khởi tố, bắt giam, con số các vụ án trong ngành y tế gần như dày đặc. Trong vụ kit test Việt Á, đã hơn 20 tỉnh thành có quan chức, cán bộ y tế bị khởi tố, bắt giam. Vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra mở rộng làm rõ; số tiền hối lộ, nhận hối lộ liên tục được công bố đã lên đến vài trăm tỷ đồng khiến dư luận cả nước không khỏi bất ngờ. Vụ án này không chỉ dừng lại ở nội dung làm thất thoát lãng phí, kinh phí tài sản công mà còn làm thất thoát lãng phí niềm tin của nhân dân.
Liên quan đến vụ Việt Á, đến nay, Cơ quan điều tra Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và công an các địa phương đã khởi tố hơn 80 đối tượng, trong đó có cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh. Vấn đề đúng sai có lẽ các cơ quan chức năng sẽ dần làm sáng tỏ và tòa án dư luận cũng có những nhận định riêng của mình. Gần đây nhiều ý kiến cho rằng cứ xử lý như thế thì lấy đâu ra cán bộ để làm và gây hoang mang tâm lý trong ngành y tế. Những lý lẽ trên mang tính ngụy biện, tiêu cực. Với một ngành được coi là thiết yếu như y tế, sai phạm tiêu cực kéo theo bao nhiêu hậu quả đau lòng, làm ảnh hưởng đến sự phát triển và niềm tin xã hội. Việc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng chỉ đạo, xử lý các vụ án liên quan đến vụ Việt Á vừa thể hiện rõ tính nghiêm minh của pháp luật, vừa là cuộc đại phẫu để cứu một lĩnh vực hệ trọng của xã hội tránh chệch đường ray, buộc trở lại quỹ đạo của nó. Do đó, không thể nói xử lý nghiêm là hết cán bộ để làm. Không sợ thiếu cán bộ, bởi không thiếu cán bộ tâm huyết với Đảng, trách nhiệm với nhân dân, với đất nước.
Trả giá là quy luật tất yếu nhưng qua vụ án Việt Á, có những hậu quả khác hết sức đáng lo ngại. Đưa hàng loạt “giới tinh hoa” trong ngành y vướng vào vòng lao lý, trong đó có nhiều giáo sư, tiến sĩ, thầy thuốc nhân dân, cả những giám đốc bệnh viện được đánh giá cao nhưng vẫn bị cơn bão Việt Á dìm xuống. Sai phạm đến đâu xử lý đến đó, pháp luật nghiêm khắc nhưng công bằng. Ngoài xử lý về mặt pháp luật, họ còn phải trả giá bằng cả “bia miệng tiếng đời” vì trục lợi trong lúc dịch bệnh đang nước sôi, lửa bỏng.
Không thể phủ nhận rằng vụ án đã khiến lòng tin của người dân vào ngành Y bị suy giảm, kể cả lòng tin giữa đồng nghiệp với nhau. Nhưng hậu quả của cơn bão Việt Á thì người bệnh bị ảnh hưởng nhiều nhất, khi nhiều cơ sở y tế không dám mượn, hay mua trang thiết bị y tế nữa, vì sợ vi phạm pháp luật. Vụ Việt Á cũng là phép thử làm hé lộ nhiều vấn đề. Các cơ quan chức năng sẽ sớm kết luận về các vụ việc của ngành y tế, để các thầy thuốc trong toàn ngành yên tâm làm nhiệm vụ; việc nâng cao nhận thức, giáo dục chính trị tư tưởng để sớm ổn định tâm tư trong toàn hệ thống là rất quan trọng trong thời điểm này.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định đây là vụ án vụ việc tham nhũng tiêu cực nghiêm trọng. Tổng Bí thư cũng đề nghị cần tập trung chỉ đạo nhanh tiến độ, xử lý dứt điểm vụ án này tại phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tiêu cực. Với sự vào cuộc quyết liệt của toàn hệ thống, Đảng và Chính phủ cho thấy rõ chủ trương “không có vùng cấm” trong việc điều tra, xét xử các vụ án tham nhũng, tiêu cực. Không có vùng an toàn nào cho cán bộ đã nhúng chàm. Vụ án “Việt Á” sẽ trở thành một “án điểm” khẳng định một lần nữa quyết tâm làm trong sạch bộ máy, củng cố thêm niềm tin của nhân dân vào các quyết sách, đường lối của Đảng trong thời gian tới.
Hits: 65