Hoạt động từ thiện xã hội là hoạt động nhân đạo, phù hợp với văn hóa, đạo đức của nhân dân ta, nhằm góp phần cùng Đảng, Nhà nước giải quyết các khó khăn cho người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các địa phương vùng sâu, vùng xa còn thiếu thốn về điều kiện cơ sở hạ tầng, các điều kiện chăm lo về đời sống vật chất, tinh thần của người dân, đặc biệt trong hoàn cảnh bị thiệt hại do thiên tai, dịch họa… Tuy nhiên, Nhà nước ta không cho phép bất kỳ ai lợi dụng hoạt động từ thiện nhằm mục đích đánh bóng tên tuổi, thậm chí còn có hành vi tiêu cực gây kích động trong Nhân dân.
Việc lan tỏa những cái đẹp là tốt, nhưng nếu tung hô quá mức sẽ dẫn đến hệ quả khôn lường, bất kỳ ai cũng có thể khiến mình trở thành công cụ để hoạt động trái pháp luật. Tình trạng tuyên truyền, tung hô quá đà, thậm chí lạm dụng, hiểu và làm sai mục đích nhân văn trong hoạt động từ thiện của một số cá nhân, tổ chức sẽ là cái cớ để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng để bôi nhọ, nói xấu chính quyền, gây mất đoàn kết trong nhân dân.
Giả sử Nhà nước ta chấp nhận tất cả những tiêu chí riêng của các cá nhân làm từ thiện, các nhóm từ thiện, sẽ dễ dẫn đến hệ lụy khôn lường. Bởi mỗi một người dân làm từ thiện, hay một đoàn người làm từ thiện có mức hỗ trợ khác nhau, tiêu chí khác nhau và mong muốn hỗ trợ cho các đối tượng khác nhau… nên khi triển khai, không chỉ gây ra việc không chấp hành quy định pháp luật, thiếu công bằng xã hội mà còn là nguyên nhân gây mất an ninh trật tự, mất đoàn kết trong xã hội.
Tài liệu truyền đạo trái phép được phát hiện trong một số túi quà thiện nguyện ở Kỳ Sơn, Nghệ An
Điển hình như việc một số tổ chức, cá nhân đã lợi dụng tình hình thiên tai tại một số địa phương để làm từ thiện nhưng lại bị lợi dụng để tuyên truyền một số sách về tín ngưỡng, tôn giáo không được phép xuất bản, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây mất an ninh trật tự, tác động trực tiếp vào tâm lý của mỗi người dân. Việc tuyên truyền tà đạo qua hoạt động thiện nguyện không chỉ riêng ở Nghệ An mà cũng đã từng xảy ra ở một số địa phương khác trên cả nước. Nếu không quản lý chặt chẽ hoạt động thiện nguyện thì không khác gì tiếp tay cho các thế lực thù địch và bọn phản động trong và ngoài nước.
Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, nỗ lực hết sức để hoạt động từ thiện ngày càng lan tỏa. Đồng thời luôn có những cơ chế, hành lang pháp lý để hoạt động từ thiện ngày càng phát huy giá trị, mang lại ý nghĩa thiết thực, cụ thể với người gặp khó khăn, cần giúp đỡ. Tuy nhiên, bên cạnh đó, mỗi người dân trong xã hội cũng cần tự ý thức hoạt động từ thiện phải được tiến hành từ cái tâm trong sáng, không làm từ thiện chỉ vì để đánh bóng tên tuổi, mà cần có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, địa phương liên quan… Bởi chỉ như vậy mới thật sự phát huy được sức mạnh của cả cộng đồng trong hoạt động từ thiện, giúp việc thiện nguyện phát huy hiệu quả với đúng mục đích, ý nghĩa của mình.
Mục đích cuối cùng của hoạt động thiện nguyện là giúp người, giúp mình; giúp người nghèo vượt qua khó khăn, chung tay cùng chính quyền lo cho nhân dân có cuộc sống no ấm, bình yên và giúp chính cái tâm của người làm việc thiện nhẹ nhàng thanh thản hơn bởi “niềm vui là cho đi”, thể hiện tình yêu thương, đùm bọc, sẻ chia giữa con người với con người, là nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Vì vậy mỗi một người dân Việt Nam làm thiện nguyện phải hiểu rõ mục đích hoạt động từ thiện của mình, bất kể việc gì cũng phải phải thực hiện trong khuôn phép của Nhà nước, đó chính là phải thượng tôn pháp luật./.
Hits: 48