Như đã thành thông lệ, cứ vào dịp kỷ niệm Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam Việt Nam hàng năm (07/01), thì đây đó trên Internet và mạng xã hội lại xuất hiện các giọng điệu xuyên tạc cuộc chiến tranh này. Chúng tán phát luận điệu cũ rích: “Cuộc tấn công của Quân đội Việt Nam (Giải phóng Campuchia) là cuộc chiến tranh xâm lược”; Việt Nam đã “lấn chiếm Campuchia cả trên đất liền và biển, đảo”…
Vậy đâu là nguyên nhân cuộc chiến tranh này? Bản chất và ý nghĩa cao cả của cuộc phản công bảo vệ chủ quyền quốc gia; giải phóng dân tộc Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, diệt vong là gì?
Nguyên nhân của cuộc chiến tranh và cuộc phản công tự vệ của quân và dân ta
Việt Nam và Campuchia là hai quốc gia láng giềng gần gũi, có truyền thống đoàn kết hữu nghị lâu đời. Sau thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dân Việt Nam và nhân dân Campuchia có chung khát vọng được sống trong hòa bình, độc lập, tự do để hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng. Thế nhưng, ngay sau khi lên cầm quyền ở Campuchia vào tháng 4/1975, tập đoàn Pôn Pốt đã phản bội lại nhân dân Campuchia, phản bội lợi ích dân tộc, thâu tóm quyền lực, tước đoạt mọi thành quả cách mạng, thi hành hàng loạt chính sách đối nội, đối ngoại cực kỳ phản động, hiếu chiến và tàn bạo. Ở trong nước, chúng tước đoạt quyền tự do, dân chủ của nhân dân, biến họ thành những người nô lệ; thi hành chính sách diệt chủng đối với trí thức, tôn giáo, người dân tộc thiểu số, Việt kiều và đảng viên, công chức, binh lính không đi theo đường lối phản động của chúng…
Không chỉ thi hành chính sách diệt chủng dã man, tàn bạo đối với đồng bào mình, được các thế lực phản động quốc tế giật dây, giúp sức, tập đoàn Pôn Pốt đã thay đổi thái độ với Việt Nam, ra sức xuyên tạc, bôi nhọ hình ảnh Việt Nam, kích động hằn thù dân tộc, đòi hoạch định lại biên giới, coi Việt Nam là “kẻ thù số một”, “kẻ thù truyền kiếp”. Từ năm 1975 đến 1978, chúng trắng trợn mở nhiều cuộc tiến công xâm lấn, đánh chiếm các đảo, biên giới nước ta với quy mô, tần suất ngày một gia tăng, gây nên hàng loạt cuộc thảm sát đẫm máu đối với nhân dân ta dọc biên giới Việt Nam-Campuchia.
Để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, Đảng, Nhà nước ta một mặt chỉ đạo các quân khu, địa phương, đơn vị tăng cường chuẩn bị lực lượng và thế trận, kiên quyết đập tan các cuộc tiến công xâm lược của địch; mặt khác, kiên trì chủ trương xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, tìm cách cứu vãn hòa bình, nhiều lần đề nghị đàm phán với Chính phủ Campuchia Dân chủ nhằm giải quyết những bất đồng.
Tập đoàn Pôn Pốt không những cự tuyệt, khước từ mọi thiện chí của ta mà còn đẩy mạnh hoạt động chống phá, xâm lược Việt Nam. Cuối năm 1978, chúng huy động 10 sư đoàn cùng vũ khí, trang bị, kỹ thuật về biên giới Tây Nam Việt Nam, chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công xâm lược nước ta.
Đầu tháng 12/1978, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương thông qua quyết tâm mở cuộc tổng phản công-tiến công chiến lược trên tuyến biên giới Tây Nam và sẵn sàng phương án hỗ trợ các lực lượng vũ trang yêu nước Campuchia đánh đổ tập đoàn Pôn Pốt, giành chính quyền về tay nhân dân.
Từ ngày 23/12/1978, bằng các đòn phản công, tiến công quyết liệt, quân và dân ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đánh đuổi quân Pôn Pốt ra khỏi lãnh thổ của Tổ quốc. Đồng thời, đáp lại đề nghị của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia và trên tinh thần quốc tế trong sáng “giúp bạn là mình tự giúp mình”, Quân tình nguyện Việt Nam đã bất chấp mọi hy sinh, gian khổ, phối hợp với lực lượng vũ trang Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia mở cuộc tổng tiến công giải phóng thủ đô Phnôm Pênh (7/1/1979) và toàn bộ đất nước Campuchia (17/1/1979).
Sau chiến thắng ngày 7/01/1979, Quân đội Việt Nam tiếp tục ở lại Campuchia bởi “Vào thời điểm đó, Campuchia chưa đủ sức chống lại Pôn Pốt và cần thời gian để củng cố lực lượng cũng như khôi phục nền kinh tế của mình. Nếu Việt Nam rút quân và Pôn Pốt quay trở lại được thì sẽ càng nhiều người Campuchia bị giết”, “Chính phủ Việt Nam không muốn để quân ở lại. Phía chúng tôi đã yêu cầu họ như thế…” (Thủ tướng Vương quốc Campuchia Hun Sen).
Thủ tướng Hun Sen cũng từng dành nhiều lời bày tỏ sự biết ơn của Chính phủ và nhân dân Campuchia đối với công lao của các lực lượng quân tình nguyện Việt Nam: “Chúng ta có thể hỏi rằng trên thế giới này, có đất nước nào đã giúp nhân dân Campuchia, đặc biệt là giải phóng khỏi chế độ diệt chủng Pon Pot và ngăn cản sự quay lại của chúng? Câu trả lời chính là nhân dân và Quân đội nhân dân Việt Nam…Bộ đội Việt Nam chính là đội quân nhà Phật”, “Nếu không có sự giúp đỡ của Việt Nam thì Campuchia không có ngày nay”.
Như vậy, các sự kiện và dẫn chứng phía trên là bằng chứng lịch sử bác bỏ hoàn toàn luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch trong và ngoài nước về cuộc chiến tranh, nhất là luận điệu “Cuộc tấn công của Quân đội Việt Nam là cuộc chiến tranh xâm lược”, Việt Nam “lấn chiếm” Campuchia,… Cho thấy, cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam là cuộc chiến tranh bảo vệ chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Đồng thời cũng là cuộc chiến đấu bảo vệ sinh mạng – quyền con người của cả hai dân tộc Việt Nam và Campuchia; là cuộc chiến tranh chính nghĩa, tự vệ chính đáng, giáng trả kẻ thù xâm lược, đánh sập chế độ diệt chủng Pôn Pôt ở Campuchia, ngoài ra không có mục tiêu nào khác.
Đồng thời, khẳng định tinh thần quốc tế cao cả, mối quan hệ gắn bó thủy chung, lâu đời, sự giúp đỡ trong sáng, chí tình, chí nghĩa của Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân Việt Nam đối với nhân dân Campuchia. Từ đây, nhân dân Campuchia đã giành lại quyền được sống, quyền làm người và bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do, hồi sinh đất nước và dân tộc. Do đó, mọi ý kiến, luận điệu xét lại lịch sử, xuyên tạc giá trị, tinh thần quốc tế cao cả của cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam bảo vệ Tổ quốc cần bị lên án, đấu tranh, bác bỏ./.
Hits: 48