Không gian mạng, nơi diễn ra các hoạt động trao đổi thông tin, một mạng lưới toàn cầu; một môi trường mới, nơi diễn ra tất cả các hoạt động kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội… một thế giới ảo, tồn tại và tương tác, đan xen, gắn kết mạnh mẽ với thế giới thực của con người.
Sử dụng không gian mạng là nhu cầu không thể thiếu của mỗi chúng ta hiện nay và trở thành xu hướng của thời đại. Vai trò to lớn của không gian mạng đối với sự phát triển của xã hội loài người là không thể phủ nhận. Vì vậy, không gian mạng cũng đã trở thành môi trường tác chiến mà các quốc gia trên thế giới không thể đứng ngoài. Theo đó, trong môi trường ấy đã diễn ra các hình thái chiến tranh mới như chiến tranh thông tin, chiến tranh mạng đã xuất hiện và đang tác động đến tới tình hình kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội… thậm chí đe dọa chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã mở ra cho Việt Nam một kỷ nguyên mới với nhiều cơ hội thúc đẩy tiến trình phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, cùng với cơ hội phát triển đất nước là nguy cơ, thách thức. Các thế lực thù địch, phản động, tội phạm công nghệ cao đã triệt để lợi dụng không gian mạng để chống phá Đảng, Nhà nước, sự nghiệp đổi mới đất nước một cách quyết liệt; tác động, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong lòng xã hội Việt Nam. Các thế lực này chống phá Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực như: chính trị, kinh tế, tư tưởng – văn hóa, tôn giáo – dân tộc, quốc phòng – an ninh, đối ngoại với đủ các chiêu trò và thủ đoạn khác nhau. Chúng đã trực tiếp đe dọa, làm tổn hại uy tín, vị thế, lợi ích, chủ quyền, an ninh, an toàn của đất nước và đời sống của Nhân dân ta.
Đấu tranh phòng, chống, ngăn chặn, hạn chế các tác động của những luồng tư tưởng, quan điểm sai trái, thông tin xuyên tạc nhằm phá hoại thành quả cách mạng, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ chính trị ở nước ta trên không gian mạng là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và đầy gian nan của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân và là trách nhiệm của mỗi công dân Việt Nam.
Để đảm bảo an toàn cho bản thân và xây dựng một môi trường mạng lành mạnh, thì mỗi người chúng ta khi tham gia vào không gian mạng cần phải lưu ý một số nội dung, đó là:
Thứ nhất, hiểu rõ ý nghĩa, giá trị, nội dung các quy định của pháp luật, quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm và những hành vi bị cấm khi tham gia hoạt động trên không gian mạng.
Thứ hai, tự nâng cao kiến thức, kỹ năng nhận diện âm mưu, thủ đoạn gây nguy cơ mất an toàn, an ninh mạng, nhất là âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, nhận diện được các tổ chức chống đối hoạt động trên không gian mạng.
Thứ ba, nâng cao ý thức phòng tránh, tự vệ khi tham gia mạng xã hội, phải nghiên cứu kỹ trước khi like hoặc chia sẻ các nội dung bài viết hoặc đường link, cảnh giác với các trang web lạ, email chưa rõ danh tính và đường dẫn nghi ngờ, tuyệt đối không a dua, hiếu kỳ, chạy theo đám đông hoặc hám lợi vật chất, cùng với những lời kích động, xúi giục của các đối tượng xấu.
Thứ tư, khai thác, sử dụng mạng internet một cách đúng đắn và hiệu quả, như một phương tiện, một kênh hữu ích để mở mang kiến thức, cùng nhau xây dựng môi trường văn hoá trên không gian mạng lành mạnh, tránh bị các thông tin ảo chi phối tác động, góp phần phòng chống, ngăn chặn những tư tưởng, quan điểm sai trái, thù địch một cách có hiệu quả.
Và cuối cùng, mỗi người chúng ta phải tích cực, chủ động tham gia đóng góp ý kiến xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, các văn bản quy phạm pháp luật, ủng hộ việc ban hành và thực thi chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm an toàn, an ninh mạng nhằm tạo một môi trường mạng, một không gian mạng an toàn, tronng sạch và lành mạnh
Hits: 49