Ngày 03/9/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1368/QĐ-TTg về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân (CCCD); cùng với Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đây là hai Dự án có vị trí , vai trò vô cùng quan trọng, được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan khẩn trương xây dựng song hành và thống nhất trên phạm vi toàn quốc; giúp lưu trữ, truy xuất, chia sẻ, tìm kiếm thông tin một cách nhanh chóng và tiện lợi nhất; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về CCCD, góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân; hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử, tạo bước đột phát trong phát triển kinh tế – xã hội của cả nước; phục vụ hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong giai đoạn hiện nay.
Mặt trước của căn cước công dân
Ngay lập tức trên mạng xã hội, một số đối tượng cơ hội chính trị đã đăng tải, chia sẻ các bài viết suy diễn, công kích có nội dung: Việc gắn chíp thẻ CCCD giống như việc gắn chíp điện tử cho chính người mang thẻ, chỉ cần tra định vị là biết chi tiết các hoạt động của công dân, cho rằng đó là vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, xâm phạm sự riêng tư và không đảm bảo bí mật thông tin cá nhân… Từ đó kêu gọi mọi người phản đối việc thực hiện gắn chíp trên thẻ căn cước.
Có thể dễ dàng nhận thấy, đây là những luận điệu suy diễn xuyên tạc, vô căn cứ đã tạo hoài nghi, hoang mang trong dư luận cũng như ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách mới của Nhà nước, gây chia rẽ, làm mất ổn định xã hội.
Thực tế cho thấy, CCCD điện tử được áp dụng trên thế giới từ thập niên 90 và đến nay đã có khoảng 70 quốc gia sử dụng, đây là thành tựu, bước tiến trong ứng dụng khoa học kỹ thuật vào đời sống xã hội. Trước đây nước ta chưa triển khai bởi chưa có điều kiện về hạ tầng kỹ thuật thông tin, kinh phí và nhu cầu của xã hội đối với chíp điện tử chưa phổ biến. Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng 4.0, sự quyết liệt trong xây dựng Chính phủ điện tử, đặc biệt các doanh nghiệp trong nước đã làm chủ được công nghệ với giá thành rẻ nên triển khai lúc này là thời điểm thích hợp.
Việc áp dụng thẻ CCCD gắn chíp điện tử mang lại nhiều tiện ích cho người dân khi thực hiện các giao dịch. Thẻ CCCD có gắn chíp điện tử có lượng thông tin lưu trữ lớn hơn nhiều lần so với thẻ CCCD mã vạch, có thể lưu trữ nhiều và tích hợp đầy đủ thông tin của các bộ, ngành khác như: bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bằng lái xe… Qua đó, có thể phòng tránh được việc các loại giấy tờ bị giả mạo cũng như chi phí cho việc công chứng giấy tờ truyền thống, tạo sự thuận lợi cho công dân khi thực hiện các giao dịch, dịch vụ trực tuyến của Chính phủ điện tử. Đáng chú ý, khi thẻ CCCD gắn chíp điện tử có tích hợp đầy đủ các thông tin, lúc đó ngưới dân đi giao dịch và làm các thủ tục sẽ không phải mang nhiều loại giấy tờ, mà chỉ cần dùng thẻ CCCD có gắn chíp thì sẽ thực hiện được các giao dịch.
Mức độ bảo mật của chip gắn trên thẻ CCCD rất cao nên thông tin định danh của công dân được lưu trên CCCD gắn chíp là không thể thay đổi và không thể giả mạo. Việc đối sánh sinh trắc học có thể được thực hiện ngay trên chíp, hạn chế tối đa giả mạo danh tính. Ngoài ra, việc xác thực danh tính có thể thực hiện offline mà không cần đường truyền Internet.
Chíp điện tử gắn vào thẻ căn cước công dân không có chức năng định vị và không có chức năng giảm sát công dân. Hơn nữa chúng ta đã có hành lang bảo vệ pháp luật, bất cứ cơ quan, ban ngành nào nếu vi phạm thì sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước sự giám sát của công dân. Bất cứ 1 chủ trương, chính sách mới nào ban hành thì cũng cần sự tham gia góp ý, phản hồi của Nhân dân để làm sáng tỏ minh bạch vấn đề và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nhưng sự tham gia góp ý phải trên tinh thần xây dựng, tránh suy diễn không có cơ sở khoa học.
Việc thực hiện thẻ căn cước công dân gắn chíp chính là áp dụng những thành tựu của khoa học kỹ thuật nhằm thực hiện chủ trương xây dựng Chính phủ điện tử, là bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính. Vậy nên, trước những luận điệu suy diễn, xuyên tạc vô căn cứ, mỗi người dùng mạng xã hội cần thực sự tỉnh táo trong việc tiếp nhận có chọn lọc các thông tin; không vội vàng tham gia bình luận, chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng rõ ràng
Hits: 21